Các cụ
ta ngày xưa có câu: “Ở đời có bốn cái ngu. Làm mai, lãnh nợ, gác cu,
cầm chầu”. Trên đời này có nhiều “cái ngu” lắm, có khi phải đến hàng trăm
hàng ngàn kiểu ngu khác nhau. Mà người sống trên đời ai cũng có lúc ngu, dù mức
độ nhiều ít thì không phải ai cũng như ai. Vậy tại sao các cụ lại nhắc đến bốn
cái ngu trên? Chắc hẳn chúng phải có gì đó đặc biệt!
1. Làm
mai
Cái ngu
đầu tiên là “làm mai”, nghĩa là làm ông mai bà mối, mà ở đây là làm mai mối
nghiệp dư, toàn người thân quen với nhau, chứ không phải dịch vụ mai mối ăn tiền.
Nếu như dịch vụ mai mối chuyên nghiệp của thời hiện đại bây giờ thì đó là
khôn chứ đâu có ngu. Nhưng thời xưa chưa có dịch vụ chuyên nghiệp, người đứng
ra mai mối thường là một người trong làng, quen biết cả hai nhà. Để tiện việc
đi lại, gia đình có thể gửi ông mai bà mối vài chục đồng uống nước, mà nhà ai
nghèo quá thì thôi. Làm cái nghề này lợi thì ít mà hại thì nhiều. Người ta nên
duyên chồng vợ thì không sao, lỡ mà không nên chuyện, mình cũng khó ăn nói với
đôi bên, gặp nhau sẽ có đôi chút sượng sùng. Nên duyên chồng vợ xong cũng chưa
hẳn là xong. Đến chồng bát chồng đĩa còn có lúc chạm nhau nữa là chồng vợ. Những
lúc đó, người ta có khi lại nghĩ đến mình mà mắng thầm cũng nên. Đã lỡ đi làm
mai cho người khác là dại rồi. Đó là chưa kể đôi khi ông mai bà mối nhận phải
những “nghiệp vụ” quá khó không biết giải quyết làm sao như trai quá đẹp lấy
gái quá xấu, gái giỏi giang lấy trai thiểu năng…
Tóm lại, nghiệp vụ mai mối dù
chỉ tốn một ít nước bọt nhưng công sức thì có vẻ nhiều, phần “thù lao” chẳng được
bao nhiêu và lắm trường hợp bị chửi xối xả, bị cả dâu rể và gia đình đôi bên
“ném đá” đến hoa lá tả tơi. Vì vậy, cha ông ta mới xếp cái ngu làm mai lên đứng
đầu bốn cái ngu của thiên hạ.
Cái ngu đầu tiên là “làm mai” |
2. Lãnh
nợ
Cái ngu
thứ hai là “lãnh nợ”. Sở dĩ gọi là ngu vì đang yên đang lành lại đứng ra làm
trung gian giữa hai người vay nợ nhau. Cuối cùng bạn gây thù chuốc oán với cả
hai bên. Người đòi nợ đòi mãi không được thì họ oán bạn, mà người vay nợ bị đòi
riết quá thì lại trách bạn sao không nói giúp cho họ. Lúc này bạn giúp bên này
thì mất lòng bên kia, mà không giúp ai cả thì mất lòng cả hai. Đồng tiền vốn chẳng
quan trọng, nhưng tự nhiên vì mấy đồng vặt mà anh em bạn bè nhìn nhau bằng đôi
mắt khác, không còn tự nhiên như trước được nữa.
Cũng có khi lãnh nợ là nói về
việc bạn đứng ra vay tiền giùm hoặc trả nợ giùm người ta. Đã biết người ta chây
lỳ, không muốn trả tiền cho chủ nợ mà bạn còn nhảy vào “lãnh nợ” thì đúng là
ngu chứ còn gì nữa. Nói rộng ra, lãnh nợ không chỉ gói gọn trong việc tiền bạc
mà đôi khi còn bao hàm cả việc bạn lấy uy tín, danh dự của mình ra để bảo đảm
cho người khác. Cuối cùng người ta gây ra tai họa thì bạn lại phải trả giá bằng
chính danh dự, uy tín của mình.
Cái ngu thứ hai là “lãnh nợ” |
3. Gác
cu
Cái ngu
thứ ba là “gác cu”. Ngày xưa và cả bây giờ, “gác cu” là một trong những thú vui
đồng ruộng của người dân Việt Nam .
Nghĩa cổ của từ “gác cu” nghĩa là thú vui bẫy và chơi chim cu. Để bẫy được chim
cu, người “gác cu” phải tốn khá nhiều công, nhiều của và thời gian để chọn,
nuôi và thuần dưỡng được 1 con chim mồi của mình để làm mồi bẫy con chim khác.
Mặc dù chỉ là một thú chơi nhưng tất cả những công đoạn này đều tiêu tốn rất
nhiều thời gian và công sức.
Nhưng “gác cu” là cái ngu thứ
ba không phải chỉ vì cái vất vả, mà vì một lý do khác: nếu không cẩn thận thì
con chim sẽ “sổ lồng” và bay mất mà không hề “ngoảnh lại” để nhớ lại cái công của
người chăm sóc nuôi dưỡng nó. Vì cái tính vô ơn, bạc nghĩa của chim cu khíến
người nuôi bị mang tiếng là “ngu”.
Cái ngu thứ ba là “gác cu” |
4. Cầm chầu
Cái ngu
cuối cùng là “cầm chầu”. Ở các làng quê Việt Nam thời xưa, “cầm chầu” là người
thủ vai đánh cái trống chầu để khen, chê khi phường hát chèo, hát bội đến diễn.
Việc này thuở xưa khi làng nào
có đám lại gọi phường hát đến diễn mua vui, nếu hay thì thưởng tiền. Họ được trả
công tuỳ theo tài hát của gánh hát, nhưng người đánh trống phải là người của
làng được chọn ra và có vai trò quan trọng phải dùng tiếng trống chầu để điều
hành và cổ vũ phường hát.
Nếu người
đánh trống đánh “cắc” có nghĩa là chê phường hát dở, còn nếu đánh nhiều nhịp
“tùng” là ý khen phường hát hay. Nếu người cầm chầu khen nhiều quá thì làng phải
chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu thâm hụt tiền của làng thì người cầm
chầu phải tự bỏ tiền túi của mình ra mà chi cho phường hát. Nhưng nếu người cầm
chầu khen ít thì lại bị phường hát chê trách và cho là keo kiệt làm tổn hại đến
danh dự của phường hát, và như vậy họ sẽ không được hội làng và người thưởng thức
cho tiền, lúc đó phường hát bội có thể thông qua vai diễn để châm biếm đả kích
nguyền rủa người đánh trống. Vì vậy mà người đánh trống khó mà làm vừa lòng cả
hai được. Cái ngu “cầm chầu” này cũng có
nét tương đồng với cái ngu “làm mai” hay “lãnh nợ” ở trên, đó là đứng ra làm
trung gian giữa hai bên, vừa tốn công tốn sức, nhận lãnh nhiều trách nhiệm về
mình lại còn bị tất cả mọi người chê trách.
Cái ngu thứ tư là “cầm chầu” |