Trung Quốc và Ấn Độ,
hai nước đông dân nhất thế giới, hai người khổng lồ Châu Á, láng giềng của
nhau, được dư luận các nước gọi là "Rồng và Voi". Ngược dòng lịch sử từ khi
lập quan hệ ngoại giao năm 1950 tới nay, hai nước có nhiều ân oán, mâu thuẫn
xung đột nhiều hơn là hữu nghị, hòa dịu.
Ấn Độ giành độc lập từ Anh năm 1947 và năm 1949 nước CHND Trung Hoa ra đời, ngay sau đó
hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 1/4/1950.
Đến năm 1954, hai nước ký
hiệp ước "5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình". Đồng thời, hai
nước cũng ký kết Hiệp định Pancasila, tức Hiệp định thông thương giữa Khu
tự trị Tây Tạng của Trung Quốc với Ấn Độ, nhằm giữ ổn định vùng
biên giới giữa hai nước.
1. Chiến tranh Trung - Ấn 1962
Nhưng chẳng bao lâu tranh
chấp biên giới xảy ra. Năm 1960, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tới Ấn
Độ gặp Thủ tướng Jawaharlal Nehru để giải quyết tranh
chấp, nhưng không thành công.
Năm 1962, Trung Quốc đưa
quân tấn công Ấn Độ và đánh chiếm vùng đất rộng lớn tới 120.000 Km2
dọc 2000 km đường biên giới hai nước. Quan hệ hai nước từ đó trở nên
căng thẳng, thậm chí thù địch. Bởi vậy, lãnh đạo hai nước rất ít thăm lẫn nhau
và trao đổi hợp tác kinh tế cũng rất hạn chế.
Chiến tranh Trung-Ấn cũng gọi
là Xung đột biên giới Trung-Ấn, là một cuộc chiến tranh giữa Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa và Ấn Độ. Nguyên nhân chính của cuộc chiến là việc
tranh chấp khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc gọi là Nam
Tây Tạng. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như hàng loạt các cuộc xung
đột biên giới diễn ra sau cuộc nổi dậy Tây Tạng năm
1959, và Ấn Độ trao quy chế tị nạn chính trị cho Đạt Lai Lạt Ma. Ấn
Độ cũng thực hiện chính sách thiết lập một số tiền đồn dọc biên giới, gồm cả một
số vị trí nằm ở phía bắc tuyến
McMahon, là phần phía đông của đường kiểm soát trên thực tế do Trung
Quốc tuyên bố năm 1959.
Binh sĩ Ấn Độ trong một buổi diễn tập quân sự |
Giao tranh bắt đầu ngày 20 tháng 10 năm 1962 giữa Quân Giải
phóng Nhân dân và Quân đội Ấn Độ.
Quân Trung Quốc đồng loạt mở các cuộc tấn công tại Ladakh và
dọc theo tuyến McMahon ngày 20 tháng 10 năm 1962, trùng hợp với cuộc khủng hoảng tên lửa
Cuba. Quân Trung Quốc tràn qua các vị trí của quân Ấn Độ tại cả hai
mặt trận, đánh chiếm được Rezang la tại Chushul ở
mặt trận phía tây, cũng như Tawang ở mặt trận phía
đông. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngưng bắn vào
ngày 20 tháng 11 năm 1962,
và rút khỏi phần lớn các khu vực chiếm được.
Một số người vợ và các thành viên trong gia đình binh sĩ Ấn Độ cũng tham gia chiến dịch bảo vệ đất nước khi tổ quốc lâm nguy |
Cuộc chiến tranh Trung Ấn đáng chú ý vì
đây là cuộc chiến sơn cước quy mô lớn ở độ cao trên 4250 mét đặt ra nhiều
vấn đề hậu cần cho cả hai bên tham chiến. Cuộc chiến cũng đáng ghi nhớ bởi việc
cả hai bên không sử dụng không quân hay hải quân tham chiến.
Hệ quả của cuộc chiến là Ấn Độ thay đổi
toàn diện quân đội để chuẩn bị cho các xung đột tương tự trong tương lai và đã
đặt áp lực lên Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, người bị cho là chịu trách nhiệm
vì đã không tiên liệu cuộc xâm lấn của Trung Quốc.
Sau chiến tranh Trung-Ấn bản đồ vùng
tranh chấp Kasmir đã bị sửa đổi, Trung Quốc thông báo Aksai Chin đã thuộc Trung
Quốc quản lý phía Trung Quốc đã đạt được yêu cầu vì vậy PLA đã không tiến xa
hơn, ngày 19 tháng 11 Chu Ân Lai tuyên bố đơn phương ngừng bắn, lệnh ngừng bắn
bắt đầu vào nửa đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 11 năm 1962.
Người phát ngôn của Chu Ân Lai nói rằng bắt đầu từ 21/11 binh lính Trung Quốc sẽ
ngừng bắn trên dọc tuyến biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, quân đội Trung Quốc sẽ lùi
về phía sau 20 km tính từ đường kiểm soát thực tế đã tồn tại từ ngày 7 tháng 11 năm 1959.
Ở phía đông TQ đã lấy lại 20 km kể từ đường ranh giới McMahon mà họ cho rằng
bất hợp pháp,ở phía tây TQ sẽ thu hồi 20 km kể từ đường kiểm soát ranh giới
như thực tại.
Chu Ân Lai tuyên bố ngừng bắn còn một
nguyên nhân khác, đó là:
Ngày 19 tháng 11 phía Ấn Độ yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ bằng không quân, các tàu sân bay Mỹ được lệnh áp sát bờ biển Ấn
Độ nhưng do 24h sau đó Trung Quốc đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn để tránh sự
can thiệp của Mỹ,các tàu sân bay được lệnh quay trở lại,một cuộc đối đầu
Trung-Mỹ đã được tránh. Mặc dù còn một số đụng độ lẻ tẻ diễn ra do một số nơi ở
Aksai Chin chưa nhận được lệnh ngừng bắn nhung nhìn chung không bên nào muốn tiếp
tục chiến sự, thực tế cuộc chiến đã kết thúc.
Vào cuối cuộc chiến tranh, Ấn Độ tăng
cường hỗ trợ cho những người tị nạn Tây Tạng, một số họ đã định cư tại Ấn Độ, Ấn
Độ huấn luyện cho (các lực lượng vũ trang Tây Tạng) nhằm chống lại một kẻ thù
chung là Trung Quốc, cũng kể từ đây CIA bắt đầu hoạt động nhằm mang lại sự thay
đôi chính quyền tại Tây Tạng.
Cuộc chiến tranh Trung Ấn 1962 |
2. Những nỗ lực hòa dịu sau chiến tranh
Sau khi tiến hành cải
cách mở cửa, tiềm lực đất nước và tiềm lực quân sự của Trung Quốc tăng lên mạnh
mẽ, các cuộc xung đột biên giới theo đó cũng tăng lên, càng làm Ấn Độ cảnh giác
và hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc.
Bởi vậy, đối với tất cả
các tổ chức quốc tế nào do Trung Quốc khởi xướng và chủ trì, Ấn Độ đều cảnh
giác như Nhóm nước thị trường mới trỗi dậy (BRICS) hay còn gọi là “Hòn gạch
vàng”, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
SCO được thành lập năm
2001 tại Thượng Hải do Trung Quốc khởi xướng, mãi tới năm 2005 Ấn Độ xin làm
“Quan sát viên”, tới năm 2015 mới xin gia nhập và năm 2017 trong Hội nghị thượng
đỉnh lần này mới được công nhận là thành viên chính thức.
Kể từ cải cách mở cửa của
Trung Quốc và công cuộc đổi mới kinh tế của Ấn Độ, hai nước đã áp dụng những biện
pháp hòa dịu.
Tháng 12/1988, Thủ tướng Ấn
Độ Rajiv Gandhi thăm Trung Quốc để hòa dịu quan hệ hai nước. Tiếp đó năm 1996,
lãnh đạo Giang Trạch Dân trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc
thăm Ấn Độ kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao. Ấn Độ cũng có chuyến
thăm đáp lễ.
Đáng lưu ý là chuyến thăm
Trung Quốc tháng 6/2003 của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee, hai bên đã ký kết Tuyên bố chung về nguyên tắc quan hệ và hợp
tác toàn diện, xây dựng Quan hệ đối tác hợp tác mang tính xây dựng lâu dài.
Tiếp đó là chuyến thăm Ấn
Độ tháng 1/2005 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai bên ký kết Tuyên bố chung về xây
dựng Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược và ký Hiệp định về nguyên tắc chỉ đạo
chính trị giải quyết vấn đề biên giới Trung-Ấn, ngoài ra còn đề xướng tổ chức
“Năm hữu nghị và du lịch Trung-Ấn” vào năm 2006 và 2007.
Kể từ đó, quan hệ hai nước
ấm dần, nhất là hợp tác kinh tế buôn bán và du lịch. Kim ngạch buôn bán hai
nước được tăng lên đáng kể, từ 3.2 tỉ vào năm 2001 tăng lên đạt 76 tỉ USD năm 2012.
Trong chuyến thăm Ấn
Độ từ 19/5 tới 22/5 / 2013 của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên cam
két nâng kim ngạch lên 100 tỉ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, mấy năm qua
kim ngạch buôn bán sóng phương đều sụt giảm, như năm 2015 chỉ đạt 71 tỉ USD,
năm 2016 số liệu thống kê của Ấn Độ chỉ đạt 69 tỉ USD (số liệu của Trung Quốc
là 71 tỉ USD). Hiện nay, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu thứ 7, là đối tác
nhập khẩu thứ 27 của Ấn Độ.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong cuộc họp báo cùng thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Dehi vào ngày 18/9/2014 |
3. Khó tháo gỡ tình trạng
lạnh nhạt
Hợp tác kinh tế buôn bán
tăng lên, nhưng vấn đề tranh chấp biên giới không có chuyển biến đáng kể, các vụ
đối đầu liên tục xảy ra.
Hai bên đã tiến hành
tới 17 vòng đàm phán về biên giới, nhưng chưa đạt được kết quả nào.
Ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập ngày 17/9/2014 - chuyến thăm đầu
tiên của nguyên thủ Trung Quốc tới Ấn Độ sau 8 năm, báo chí Ấn Độ đưa
đậm nét tin từ tháng 1 tới tháng 8/2014, quân đội Trung Quốc có tới
334 vụ "xâm nhập vào đất Ấn Độ", trong đó vụ xảy ra ở Khu vực
Ladakh bị Ấn Độ cáo buộc có tới hơn 200 lính Trung Quốc "vượt
biên".
Ngay khi ông Narendra
Modi làm Thủ tướng vào tháng 5/2014, phía Trung Quốc có nhiều cử chỉ ngoại giao
hòa dịu, nhất là năm 2014 là nhân kỉ niệm 60 năm hai nước ký Hiệp ước 5 nguyên
tác cùng tồn tại hòa bình, hy vọng tân Thủ tướng Modi thăm Trung Quốc.
Tuy nhiên sau khi thăm
các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và một số nước khác, mãi tới tháng 11/2014 ông
Modi mới thăm Trung Quốc kết hợp tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc
Kinh.
Dư luận các nước cho rằng
kể từ khi lập quan hệ ngoại giao năm 1950 tới nay, quan hệ “Rồng và Voi” giữa
hai người khổng lồ Châu Á, mâu thuẫn, xung đột nhiều hơn là hòa dịu, hợp tác,
nhất là phía Ấn Độ luôn cảnh giác đối với Trung Quốc.
Những vấn đề tiềm tàng tồn
tại từ lâu nay giữa hai nước là những vấn đề lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc
gia chưa thể dung hòa. Phía Ấn Độ luôn lên án Trung Quốc xâm chiếm đất đai, nhất
là hiện nay tranh chấp bang Aranuchal Pratesh (Trung Quốc gọi là khu vực Tạng Nam).
Ngoài ra, thực lực kinh tế,
quân sự Trung Quốc tăng lên cũng là mối đe dọa đối với Ấn Độ, nhất là tìm cách
chiếm lĩnh những thị trường truyền thống của Ấn Độ trong khu vực và thế giới. Bắc
Kinh chỉ trích New Delhi dung túng cho các phần tử li khai Tây Tạng,
bao gồm lãnh tụ tinh thần lưu vong Dalai Lama.
Quan hệ “Rồng và Voi” |
4. Trung Quốc chững lại, Ấn
Độ vươn lên
Những năm qua, trong khi
kinh tế thế giới kể cả Trung Quốc không mấy sáng sủa thì bức tranh kinh tế Ấn Độ
lại tỏa sáng.
Năm 2015 GDP Ấn Độ tăng
trưởng tới 7.5%, lần đầu tiên vượt mức tăng của kinh tế Trung Quốc. Dự kiến
giai đoạn 2015-2020, Ấn Độ vẫn duy trì được mức tăng GDP đạt trên 7%.
Hiện nền kinh tế Ấn Độ lớn
thứ 7 thế giới, và lớn thứ ba thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP).
Ấn Độ đã gia nhập
"Câu lạc bộ GDP trên 1.000 tỉ USD", dự kiến tới năm 2030 trở thành thực
thể kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đe dọa vị trí nền kinh tế số 2 toàn cầu của
Trung Quốc hiện nay..
Bởi vậy, cuộc cạnh tranh
về thị trường, về kinh tế, nhất là thị trường khu vực và thế giới giữa Trung-Ấn
sẽ tăng lên, mâu thuẫn mới theo đó cũng tăng lên.
Cho dù hai nước có lúc
hòa dịu, tăng cường hợp tác, nhưng những vấn đề tiềm tàng như chủ quyền lãnh thổ,
dân tộc từ lâu nay chưa thể giải quyết, cộng với vấn đề mới nảy sinh sẽ làm
quan hệ hai nước không ổn định lâu dài.
Mối quan hệ "Rồng và
Voi" chưa thể hợp tác ổn định lâu dài và khó dung hòa, nhất là cả hai nằm
gần kề nhau ở Châu Á.
5. Căng thẳng TQ - Ấn Độ
ngày càng leo thang trong năm 2017
Đại sứ Luo Zhaohui nói trước báo chí
tại New Delhi rằng người dân Trung Quốc cực kỳ giận dữ trước sự “chiếm đóng” của
quân đội Ấn Độ trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ, nhưng nói rằng vụ căng thẳng
lần này nên được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Mỗi bên đang có khoảng 3.000 binh
lính giáp mặt nhau trên vùng cao nguyên xa xôi nơi giáp nhau giữa Tây Tạng,
bang Sikkim của Ấn Độ và Bhutan, báo chí Ấn Độ dẫn các nguồn tin từ quân đội
cho biết.
Căng thẳng dọc 3.500km biên giới giữa
Trung Quốc và Ấn Độ lần đầu bùng phát kể từ khi hai nước nổ ra cuộc chiến tuy
ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1962.
Khu vực bang Sikkim của Ấn Độ, nơi giáp biên giới với Trung Quốc |
Vùng Donglang vẫn là một điểm nóng, nằm
dưới sự kiểm soát của Trung Quốc nhưng New Delhi luôn theo dõi chặt
chẽ vì khu vực này nằm gần dải lãnh thổ hẹp kết nối vùng đông bắc của Ấn Độ với
khu vực còn lại của đất nước.
Tháng trước, Trung Quốc bắt đầu xây dựng
một con đường trên khu vực mà Bhutan cũng đòi chủ quyền. Động thái của
Trung Quốc được cho là hành động làm thay đổi hiện trạng. Dù Trung Quốc và Bhutan đã
có nhiều thập kỷ đàm phán biên giới mà không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào,
nhưng vương quốc nhỏ bé trên dãy Himalaya lần này tìm kiếm sự giúp đỡ
của nước đồng minh từ lâu là Ấn Độ. New Delhi đã cử quân lên vùng cao
nguyên.
Bản đồ vùng tranh chấp giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Bhutan |
Phát biểu với hãng tin PTI của Ấn Độ
hôm 5/7, Đại sứ Luo nói rằng lần đối đầu này bùng phát sau khi quân đội Ấn Độ
vượt sang khu vực.
“Trước đợt đối đầu, một lãnh đạo quân
đội Ấn Độ nói rằng họ đã sẵn sàng cho ‘chiến tranh 2.5’, và sau đó, một lãnh đạo
khác nói rằng ‘Ấn Độ ngày nay không phải Ấn Độ của năm 1962’. Họ muốn gửi thông
điệp gì đến Trung Quốc vậy?” bản tin trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc
đăng lời của ông Luo.
Tháng trước, Tổng Tư lệnh quân đội Ấn
Độ, ông Bipin Rawat nói rằng nước này “đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh
trên 2,5 mặt trận”, nhưng không nhắc tên Trung Quốc hay Pakistan, ngụ ý rằng
New Delhi đủ sức giải quyết cả những thách thức từ trong và ngoài nước để bảo vệ
chủ quyền của họ.
Trung Quốc trước đó thông báo quân đội
nước này đang thử nghiệm loại xe tăng hạng nhẹ, được thiết kế cho địa hình toàn
núi ở vùng Himalaya.
Loại xe tăng nặng 35 tấn được cho là
có nhiều tính năng tiên tiến hơn loại xe tăng thế hệ 2 T-96A của Trung Quốc và
xe tăng 90S của quân đội Ấn Độ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/7 nói
rằng Ấn Độ phải rút quân “càng sớm càng tốt” và đó là tiền đề để thể hiện sự
“chân thành” muốn đối thoại nhằm giải quyết căng thẳng biên giới, Người phát
ngôn Cảnh Sảng nói.
Bình luận này được đưa ra sau nhiều
tuần giới chức hai bên khơi lại cuộc chiến biên giới năm 1962 khiến hàng ngàn
người thiệt mạng.
Sau khi quan chức Trung Quốc nói rằng
Ấn Độ nên rút ra “bài học lịch sử” từ thất bại đáng xấu hổ trong chiến tranh
năm 1962, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đáp trả rằng “Ấn Độ năm
2017 khác với Ấn Độ năm 1962”, ngụ ý nói về sức mạnh quân sự của Ấn Độ nay đã lớn
hơn.
Bà Rajeswari Rajagopalan, một nhà
phân tích quốc phòng công tác tại Quỹ nghiên cứu Nhà quan sát, một tổ chức tư vấn
chính sách tại New Delhi, cho rằng vụ đối đầu lần này rất nguy hiểm, chưa từng
có tiền lệ và có thể leo thang thành chiến tranh.
“Ở Delhi đang có nghi ngờ rằng
đây là sự gây hấn có chủ đích của Trung Quốc. Vụ việc đang được coi là cách thử
quyết tâm của Ấn Độ trong việc bảo vệ an ninh của Bhutan”, bà nói. “Cách Ấn
Độ xử lý vụ việc này rất quan trọng vì có thể gửi thông điệp đến nhiều quốc gia
nhỏ ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, bà Rajagopalan nói thêm.
Trong khi đó, báo chí nhà nước Trung Quốc
cho rằng một số người trong quân đội Ấn Độ đang muốn đáp trả cuộc chiến năm
1962.
“Có lẽ thất bại của họ trong cuộc chiến
đó quá mất mặt đối với một số người trong quân đội Ấn Độ và đó là lý do tại sao
lần này họ nói hăng hái như vậy”, báo China Daily viết.