Cập nhật tình hình thi THPT quốc gia năm 2017

Từ 22 đến 24/6, khoảng 860.000 thí sinh cả nước sẽ dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm. Trong đó, hơn 643.000 (75%) thí sinh thi để lấy kết quả xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ; lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Trừ Văn, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm.
- Công bố kết quả thi: Hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 06/7/2017.
- Hội đồng thi công bố và thông báo điểm thi THPT 2017 thí sinh vào ngày 07/7/2017.
- Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 14/7/2017.

20. Bộ Giáo dục công bố đáp án 9 môn thi THPT quốc gia
Đáp án 24 mã đề của 9 môn thi THPT quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chiều 24/6.
Tại cuộc họp báo chiều 24/6, đánh giá mức độ khó của 24 mã đề mỗi môn thi, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sái Công Hồng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, 24 mã đề xuất phát từ 4 đề gốc. Các câu hỏi trong mỗi đề gốc này được phân làm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Khi đảo vị trí, các câu hỏi được đảo theo khu vực có cùng cấp độ.
"Nếu so sánh độ đồng đều thì phải so toàn đề chứ không thể dùng 1-2 câu. Có lẽ chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi này, mới biết được độ khó - dễ như thế nào", thành viên tổ ra đề Sái Công Hồng cho biết.
Dự kiến ngày 7/7, thí sinh sẽ biết kết quả thi và ngày 12-17/7 nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để xét tuyển đại học, cao đẳng.
19. Tổng hợp tình thi THPT quốc gia trong ngày thi cuối cùng (24/06/2017)
Sáng 24/06, gần 500.000 thí sinh cả nước làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, đây là buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ghi nhận không khí tại các điểm thi cho thấy thí sinh thoải mái bước vào buổi thi cuối.
Sáng nay, hơn 22.000 thí sinh tại TPHCM bước vào thi tổ hợp Khoa học xã hội. So với những buổi thi trước, số thí sinh dự thi ít nhất nên số hội đồng thi giảm xuống còn 85 điểm thi. Ghi nhận không khí buổi thi cuối tại các điểm thi cho thấy thí sinh không quá căng thẳng.
Hơn 500.000 thí sinh sẽ làm bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia vào sáng 24/6. Các em phải làm 120 câu hỏi bài tổ hợp Khoa học xã hội, gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thời gian mỗi môn 50 phút. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thi THPT quốc gia những môn khoa học xã hội áp dụng hình thức trắc nghiệm; cũng là lần đầu tiên Giáo dục công dân được đưa vào thi.
Không còn phải học thuộc lòng các sự kiện Lịch sử, dữ liệu Địa lý..., nhưng do đề trắc nghiệm "phủ" toàn bộ chương trình lớp 12 nên các sĩ tử phải ôn tập nhiều.
  • Đề thi Giáo dục công dân THPT quốc gia 2017
  • Đề thi trắc nghiệm môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia 2017
  • Đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử THPT quốc gia 2017
  • Đáp án tham khảo đề thi môn Địa lý, Lịch sử

18. Tổng hợp tình thi THPT quốc gia trong ngày 23/06/2017
  • Đề thi môn Hóa học kỳ thi THPT quốc gia 2017
  • Đề thi môn Sinh học kỳ thi THPT quốc gia 2017
  • Đáp án gợi ý đề Hóa học kỳ thi THPT quốc gia 2017
  • Đáp án bài giải môn Sinh học
  • Đáp án tham khảo môn tiếng Anh THPT quốc gia 2017

Chiều nay, tan buổi thi môn Ngoại ngữ, một số thí sinh cho biết đề thi Tiếng Anh vừa tầm, trong đó phần bài đọc là khó nhất. Nhiều thí sinh dự thi các khối A, B đã hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia. Sáng mai, các thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội dự thi buổi cuối.
Sau buổi thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên sáng nay, nhiều thí sinh có chung nhận định rằng đề thi Hóa học khá hóc búa, khó hơn môn Vật lý. Nhiều thí sinh cho biết đề thi môn Sinh quá dài, kể cả các em học khối A cũng cảm thấy đề Sinh khó "ăn điểm"...
Nhiều thí sinh cho biết, mã đề thi môn Vật lý đã phải đính chính ngay sau khi phát đề. Bộ GD&ĐT cho biết đó là lỗi kỹ thuật và đã được xử lý, không ảnh hưởng tới kết quả làm bài thi của thí sinh.
Nhiều thí sinh ở TP.HCM có mã đề Vật lý 204 cho biết, đề có sai sót 1 câu nhưng đã kịp chỉnh sửa ngay là phát cho tờ đề mới, ghi rõ đính chính và xác nhận.
Còn tại Hà Nội, tại nhiều điểm thi, ngay sau khi phát đề, giám thị đã hướng dẫn thí sinh cách sửa mã đề thi môn Vật lý.
Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đây là lỗi sai sót kỹ thuật trong khi in ấn. Trong quá trình rà soát đề thi, tổ đề thi đã phát hiện ra lỗi này.
Ngay sau đó, tổ đề thi đã có hướng dẫn nơi in sao đề thi, in thêm tờ đính chính và gửi tới các điểm thi.
Tờ đính chính đề thi này được phát cùng với đề thi chính thức ở những mã đề thi có lỗi kỹ thuật nên không ảnh hưởng đến bài thi và thời gian làm bài của thí sinh.
"Do Bộ GD&ĐT đã chủ động xử lý việc này ngay từ đầu và có hướng dẫn xử lý đến từng điểm thi, từng cán bộ coi thi nên thí sinh yên tâm về việc này" - Thứ trưởng Ga nói.
Ngày thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia, hơn 800.000 em sẽ vượt vũ môn với bài tổ hợp Khoa học tự nhiên lần đầu xuất hiện.
Sáng 23/6, hơn 800.000 sĩ tử bước vào ngày thứ hai kỳ thi THPT quốc gia. Thử thách của các em là bài tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, mỗi môn thành phần có thời gian làm bài 50 phút. Đây là lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia có bài thi tổ hợp với hình thức trắc nghiệm.
Theo quy chế, thí sinh đã đăng ký thi bài tổ hợp nào thì phải dự hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó. Việc thí sinh không dự thi sẽ được coi là bỏ, không được xét tốt nghiệp. 
Những thí sinh tự do được quyền bảo lưu kết quả thi năm 2016 có thể chọn các môn thành phần của bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp. Ví dụ, thí sinh được bảo lưu môn Vật lý sẽ chỉ cần đăng ký thi môn Hóa học, Sinh học của bài tổ hợp Khoa học tự nhiên để xét tốt nghiệp. Như vậy, trong cùng buổi thi bài tổ hợp, có thí sinh làm cả 3 môn, có em chỉ thi một môn, có em thi 2 môn.
Thí sinh sẽ làm các môn thi thành phần của bài tổ hợp trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Hết thời gian làm bài môn thi thành phần cuối cùng của bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi mới thu phiếu trả lời trắc nghiệm này.
Các thí sinh tự do có thể không thi hết môn thành phần của bài thi tổ hợp nên theo quy chế các điểm thi bố trí phòng riêng cho những thí sinh này. Ở cụm thi do Sở Giáo dục Hà Nội chủ trì, các sĩ tử này sẽ thi tại Đại học Công nghiệp.
Khu vực khắp từ miền Bắc vào miền Trung đang nóng lên trong 2 ngày thi THPT quốc gia cuối cùng, có nơi xấp xỉ 38 độ.
Trong hôm qua, vùng có nắng nóng trên 35 độ mở rộng nhanh chóng từ khắp Phú Yên ngược ra tới đồng bằng Bắc Bộ, trong đó nhiều điểm có nắng nóng mạnh như Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 37,8 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 36,9 độ...
Hôm nay và ngày mai, khi hiệu ứng phơn và vùng thấp phía Tây vẫn còn hoạt động mạnh, nắng nóng sẽ còn tiếp diễn khắp khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Sơn La, Hoà Bình kéo vào đến Phú Yên.
Nền nhiệt cao nhất tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng trong hôm nay tăng lên 36 độ, cộng thêm độ ẩm trong ngày luôn ở mức cao trên 60% sẽ khiến cảm giác nóng bức, ngột ngạt càng thêm gia tăng. Các khu vực còn lại của miền Bắc phổ biến 32-35 độ C.
Riêng các tỉnh từ Thanh Hoá - Bình Thuận trong hôm nay sẽ có nhiều điểm nắng nóng trên 37 độ, xấp xỉ 38 độ.
Trong khi đó khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay thời tiết khá dễ chịu, nhiệt độ cao nhất phổ biến 29-32 độ C.
Tuy nhiên khu vực TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ cần đặc biệt chú ý, mưa dông có thể xuất hiện ngày từ trưa mai, nhiều nơi có mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Sau đó mưa sẽ lan dần lên khu vực Tây Nguyên, song lượng mưa tại đây không lớn bằng Nam Bộ.
17. Tổng hợp tình thi THPT quốc gia trong ngày 22/06/2017
Kết thúc ngày thi thứ nhất kỳ thi THPT quốc gia, Ban Chỉ đạo thi quốc gia cho biết, có 50 thí sinh vi phạm quy chế. Trong đó 49 trường hợp bị đình chỉ. "Hầu hết là vi phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi. Có một trường hợp thi hộ nhưng giám thị phát hiện được", Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong buổi thi môn Văn, hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương đã đình chỉ thi đối với một thí sinh nam vì vào nhà vệ sinh gọi điện thoại ra ngoài.
Thí sinh nam này học Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định (TPHCM), sau khi làm xong bài thi em đã xin phép đi vệ sinh, nhưng vào nhà vệ sinh em này dùng điện thoại gọi ra ngoài thì bị cán bộ giám sát bắt gặp nên lập biên bản ngay tại phòng thi.
Nam thí sinh đã năn nỉ cán bộ coi và cho biết đã làm xong bài thi nên mới ra nhà vệ sinh gọi người nhà đến rước cho kịp nhưng vẫn bị lập biên bản đình chỉ vì vi phạm quy chế thi Thí sinh này
Ông Đạt cho rằng, đây là một trường hợp đáng tiếc vì khi làm thủ tục, cán bộ coi thi đã nhắc đi nhắc lại thí sinh về không mang điện thoại vào hội đồng thi. Ở trường phổ thông cũng nhắc nhở thường xuyên nhưng vẫn xảy ra.
Nhiều giáo viên, chuyên gia môn Toán nhận định đề thi môn Toán kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nội dung phân loại tốt. Đề thi này sẽ rất khó có thí sinh bị điểm liệt nhưng ngược lại cũng cực hiếm điểm 10.
Ths Phạm Hồng Danh, Trưởng Bộ môn Toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng đề thi môn Toán thi THPT quốc gia 2017 tương tự như đề thi minh họa lần 3 vừa qua nhưng dễ hơn so với đề thi minh họa lần 1 và lần 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố.
Với đề thi này, học sinh sẽ rất phấn khởi khi ra khỏi phòng thi vì học sinh trung bình có thể được 4-5 điểm, học sinh khá giành được 6-7 điểm, học sinh học giỏi thì 8-9 điểm. Nhưng đề thi này cũng sẽ rất hiếm điểm 10 vì với lượng thời gian chỉ có 90 phút để trả lời 50 câu hỏi, có nghĩa thời gian chưa đủ 2 phút/câu là quá ít, vì vậy rất hiếm học sinh có thể làm trọn vẹn.
Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên bộ môn Toán của Trung tâm GDTX Gò Vấp cũng đưa ra nhận xét đề thi chính thức giống như đề minh họa công bố lần 3 mới đây với với sự phân bổ từ dễ đến khó trong nội dung trong chương trình lớp 12 với bao gồm: hàm số, mũ logarit, tích phân, hình học không gian, hình học giải tích. Điểm khác là có thêm hai dạng bài toán thực tế về chuyển động và tài chính.

Ông Tuấn Anh cho rằng, "10 câu đầu của các mã đề đều rất dễ với nội dung kiến thức sơ đẳng nên sẽ rất khó có điểm liệt. Trong 50 câu, khoảng 30 câu đầu ở mức trung bình, học sinh có thể làm dễ dàng. Còn 20 câu còn lại thuộc dạng vận dụng cao, trong đó khó nhất là 5 câu cuối. Số câu vận dụng nâng cao cũng tăng hơn so với đề tham khảo. Có lẽ ý định của người ra đề tạo nên sự phân hóa rõ rệt hơn".
14h20:
Bắt đầu thi trắc nghiệm môn Toán trong thời gian 90 phút. Môn Toán có 24 mã đề, 50 câu hỏi trắc nghiệm của các mã đề là khác nhau, hạn chế tối đa khả năng gian lận.
Đề và đáp án môn Toán trắc nghiệm thi THPT quốc gia:






37 thí sinh bị đình chỉ buổi thi môn Ngữ văn sáng 22/6

Báo cáo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017 cho biết, sáng nay, có 833.894 thí sinh tới dự thi, đạt tỉ lệ 99,53%. Có 37 thí sinh bị đình chỉ thi, 1 thí sinh bị cảnh cáo.

Hướng dẫn làm bài thi môn văn tốt nghiệp THPT quốc gia 2017:
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.
Câu 3. Nhận xét về hành vi của các nhân vật được nhắc tới trong văn bản
- Đứa bé ba tuổi sẵn sàng chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh để dỗ em bé đang khóc.
- Cô gái nhăn mặt cảm nhận được cái đắng ngắt của vị thuốc mà bạn mình đang phải uống.
- Cậu bé Bồ Đào Nha an ủi một cổ động viên người Pháp sau trận chung kết EURO 2016.
Các hành động ấy, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau, trong những hoàn cảnh không giống nhau nhưng đều thể hiện sự cảm thông, sẻ chia với những buồn đau, mất mát, những khó khăn của người khác - dẫu cho người ấy là bạn hay là đối thủ của mình. Đó là những hành động đẹp, thể hiện sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Những hành động đẹp làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người, vẻ đẹp văn hoá của xã hội.
Câu 4. Học sinh có thể nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề (đồng ý hoặc không đồng ý hoặc có bổ sung ...) nhưng cần phải lập luận mạch lạc, thuyết phục.
- Đồng ý với ý kiến trên vì lòng trắc ẩn là tấm lòng thương xót người khác một cách kín đáo, sâu xa. Chỉ có thể yêu thương người khác khi ta thực sự hiểu họ, đồng cảm với họ. Và để làm được điều đó, ta phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, đồng cảm với người khác. Đó chính là sự thấu cảm. Vậy thấu cảm chính là nguồn gốc của lòng trắc ẩn.
- Bổ sung: nhiều khi sự thấu cảm thôi chưa đủ để tạo nên lòng trắc ẩn. Con người cần có tình yêu thương, lòng nhân ái, vị tha. Xã hội cũng cần có sự bao dung và đề cao những giá trị nhân văn. Có như vậy, lòng trắc ẩn, tình yêu thương mới được lan toả trong cộng đồng.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Nghị luận xã hội
* Yêu cầu về hình thức:
+ Học sinh viết đoạn văn với nội dung và dung lượng theo yêu cầu đề bài.
+ Diễn đạt mạch lạc, ngắn gọn, không mắc các lỗi dùng từ, đặt câu, lỗi chính tả.
* Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể trình bày suy nghĩ riêng của mình về vấn đề cần nghị luận nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Giải thích: Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.
- Khẳng định thấu cảm có ý nghĩa to lớn với cuộc sống con người và xã hội
+ Ý nghĩa với cá nhân người có khả năng thấu cảm: có thể thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Qua đó, ta sẽ được mọi người tin cậy, yêu thương. Đó chính là chìa khoá của thành công và hạnh phúc.
+ Ý nghĩa đối với những người xung quanh: Mọi người khi nhận được sự cảm thông, sẻ chia trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống sẽ vơi nhẹ nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách.
+ Ý nghĩa với xã hội: Tạo dựng một xã hội thực sự nhân văn, tốt đẹp với những mối quan hệ giữa các cá nhân được gắn kết trong sự thấu cảm và tình thương.
- Bình luận mở rộng:
+ Phê phán những biểu hiện của những người chỉ thờ ơ, vô cảm, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.
+ Muốn rèn luyện lòng thấu cảm, phải luôn sống chân thành, cởi mở, bao dung và vị tha.
=>Tóm lại, mỗi chúng ta cần có lối sống tích cực và xây dựng cho mình những tình cảm tốt đẹp, từ đó có sự thấu cảm trong cuộc sống.
Câu 2:
1. Hình thức:
- Bài viết yêu cầu trình bày rõ ràng, sạch đẹp, đúng bố cục 3 phần: mở bài , thân bài, kết bài.
- Sử dụng các phép liên kết để liên kết các đoạn văn.
2. Nội dung: Triển khai phân tich đoạn thơ theo luận điểm: Những định nghĩa, quan niệm mới mẻ về Đất Nước.
· Mở bài:
+Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
+ Vị trí và nội dung đoạn thơ: Nằm ở phần đầu (những cảm nhận chung về Đất Nước), đoạn thơ nói về những định nghĩa mới mẻ về Đất Nước và lí giải nguồn gốc của người Việt.
· Thân bài: Chú ý kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật:
- Nội dung:
+ Đất Nước được cảm nhận gắn liền với không gian:
Ø Không gian riêng: Nơi anh đến trường, nơi em tắm, nơi ta hò hẹn.
Ø Không gian chung: Dân ta đoàn tụ
Ø Không gian hiện thực: Bờ sông nơi hò hẹn, con đường anh đến trường.
Ø Không gian thần thoại: Chim về, Rồng ở, chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, cá ngư ông móng nước biển khơi…
+ Chiều dài thời gian lịch sử: “ đằng đẵng”, từ thời Lạc Long Quân và Âu Cơ đến nay, thậm chí thế hệ con cháu sau này
+ Lí giải cội nguồn của người dân Việt Nam: Nhắc lại truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ.
+ Ý thức sâu sắc và sứ mệnh của mỗi người dân Việt Nam: “Những ai đã khuất… nhớ ngày giỗ Tổ”.
- Nghệ thuật:
+ Cách định nghĩa bằng cách tách từ ngữ để phân tách khái niệm đất nước thành hai thành tố (đất và nước) để soi chiếu đất nước một cách chi tiết, cụ thể sâu sắc để rồi lại tổng hợp lại để có cái nhìn toàn diện về Đất nước.
+ Điệp từ “Đất, Nước, Đất Nước, những ai…”
+ Liệt kê

+ Sử dụng chất liệu văn học dân gian: Truyền thuyết, ca dao tục ngữ…

Gợi ý làm bài:







...Trong buổi thi thứ nhất của môn Ngữ văn, cả nước có 35.943 phòng thi.
8h59:
Thí sinh đầu tiên bước ra từ điểm thi trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Tiếp sau đó, rất nhiều em rời phòng thi sớm với tâm trạng vui vẻ.
Một học sinh cho biết: “Đề Văn khá vừa sức học sinh, câu đọc hiểu tất cả các thí sinh đều làm được. Câu nghị luận xã hội đề cập đến lòng “thấu cảm” của con người khiến em khá hứng thú. Đề nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận một đoạn trong bài thơ “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, dù em không học chuyên Văn nhưng em nghĩ mình có thể làm được 6-7 điểm”.
Một ý kiến khác: “Đề Văn năm nay bám sát chương trình học, em nghĩ mình đạt 7-8 điểm. Đối với em, khó nhất là câu nghị luận văn học, còn thú vị nhất là câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về sự đồng cảm trong 200 chữ”.
Thí sinh tại một trường THPT Hà Nội chia sẻ: "Phần nghị luận xã hội khá dễ nhưng câu về bài thơ "Đất nước" khá bất ngờ với em nhưng em vẫn làm được. Em làm tốt khoảng 70-80% đề bài. Em cho rằng đề bài khá hay và có tính phân loại".


Tại điểm thi trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), ngay sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Ngữ Văn, sáng ngày 22/6, hàng chục thí sinh đã nộp bài thi và rời phòng thi. Không phải thi tập trung đông đúc như những năm trước, hầu hết các thí sinh được dự thi gần nhà, nhưng nhiều phụ huynh vì lo lắng cho con em nên cũng đã đứng đợi ngay ngoài điểm thi. Tại các điểm thi ở thành phố Thanh Hóa, có nhiều điểm thi phục vụ nước uống miễn phí cho phụ huynh và các thí sinh.
Tại điểm thi trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), ngay sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Ngữ Văn, sáng ngày 22/6, hàng chục thí sinh đã nộp bài thi và rời phòng thi.
Không phải thi tập trung đông đúc như những năm trước, hầu hết các thí sinh được dự thi gần nhà, nhưng nhiều phụ huynh vì lo lắng cho con em nên cũng đã đứng đợi ngay ngoài điểm thi. Tại các điểm thi ở thành phố Thanh Hóa, có nhiều điểm thi phục vụ nước uống miễn phí cho phụ huynh và các thí sinh.
Một học sinh tại THPT Triệu Sơn 2, huyện Triệu Sơn, cho biết: “Đề thi môn Ngữ Văn năm nay có 6 câu, em thấy đề thi bình thường, phù hợp với bản thân em, mới hết 2/3 thời gian nhưng làm xong bài thi nên em nộp bài để ra về trước”.


Ghi nhận tại các HĐT trong buổi thi đầu tiên, nhiều thí sinh đã nộp bài và rời khỏi phòng thi khá sớm. Mặc dù chưa hết thời gian nhưng nhiều phòng thi chỉ còn lác đác một nửa thí sinh.

7h35:
Bắt đầu tính giờ làm bài của thí sinh.
Thời gian biểu của buổi thi Ngữ văn (Nguồn: Bộ GD-ĐT)
Đề thi môn Ngữ văn:


6h30:
Các cán bộ coi thi bắt đầu nhận giấy thi, giấy nháp và túi tài liệu, đánh số báo danh vào bàn của thí sinh, gọi thí sinh vào phòng thi...

16. Thí sinh bắt đầu vượt vũ môn với bài thi Văn
Sáng 22/6, khoảng 860.000 thí sinh sẽ làm bài thi Văn trong 120 phút. Đây là bài thi duy nhất có hình thức tự luận.
Theo đề tham khảo do Bộ Giáo dục công bố, đề Văn sẽ gồm 2 phần là đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu hướng tới kiểm tra các mức độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng và vận dụng cao của thí sinh. Trong đó câu 4 yêu cầu thí sinh có cái nhìn tổng thể với văn bản, rút ra bài học, thông điệp tư tưởng... sâu sắc nhất. Câu hỏi nghị luận xã hội ở phần làm văn cũng sử dụng ngữ liệu bài đọc hiểu này.
Cách bố cục đề thi Văn, theo TS Trịnh Thu Tuyết, nếu suy nghĩ và trả lời sâu chắc ở phần đọc hiểu, thí sinh sẽ thuận lợi rất nhiều khi trả lời câu nghị luận xã hội. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý phương pháp làm bài, tránh kể lể, nhắc lại những chi tiết trong ngữ liệu đọc hiểu hoặc chép lại phần đọc hiểu "lắp ghép" vụng về vào đoạn nghị luận xã hội. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Văn là môn duy nhất duy trì hình thức thi truyền thống tự luận. Mùa thi năm trước, môn này có lượng thí sinh được điểm 5 nhiều nhất, hơn 70.000. Có 200 em bị điểm 0. Mức điểm cao nhất môn Văn của kỳ thi năm 2016 là 9,5 với 15 em. Đây là môn có số thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế vì mang tài liệu vào phòng thi nhiều nhất, 89 trường hợp.  

15. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ động viên thí sinh, phụ huynh trước kỳ thi
Chiều 21/6, người đứng đầu Bộ GD&ĐT đã có mặt tại TP.HCM đã thăm hỏi tình hình ôn thi và động viên thí sinh làm bài tốt kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp động viên phụ huynh bình tĩnh và tạo tâm lý tốt cho con em trước kỳ thi.
Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong kì thi THPT quốc gia có điểm mới là công tác tổ chức cho các địa phương. TP.HCM là địa phương có số lượng điểm thi lớn nhất cả nước với 114 điểm thi, số học sinh là hơn 71.000 em.
Bộ trưởng lưu ý các cán bộ coi thi phải đọc quy chế, hướng dẫn kỳ thi để kì thi an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đặc biệt là tâm lý. Các em làm bài thoải mái đúng năng lực và đúng quy chế. TP.HCM là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Vì vậy dù công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và chu đáo nhưng các điểm thi vẫn cần hết sức thận trọng và không được chủ quan trong bất kỳ tình huống nào. Đặc biệt là trong khâu vận chuyển đề thi, bảo mật bài thi giữa các buổi thi để tránh những sai sót xảy ra.
Ông Nhạ cho rằng, TP.HCM có thuận lợi là có nhiều trường đại học đóng trên địa bàn vì vậy phải làm sao tạo sự thuận lợi phối hợp nhịp nhàng giữa các giám thị đại học và phổ thông để phân công làm việc cho tốt.

14. Thí sinh hoàn tất thủ tục thi THPT quốc gia
Chiều 21/6, thí sinh cả nước hoàn tất thủ tục thi THPT quốc gia. Hầu hết điểm thi không ghi nhận có sai sót, thí sinh chỉ mất khoảng 30 phút làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi. 
  • Chiều 21/6, Hà Nội khá mát mẻ. Đa số học sinh đến trước giờ làm thủ tục 30 phút. Đúng 14h, thí sinh vào phòng thi để nghe phổ biến quy chế. Những quy định được nhấn mạnh như: đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài thí sinh sẽ không được dự thi buổi đó; bị đình chỉ nếu mang vật dụng trái phép vòng phòng thi...
  • Tại TP.HCM, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đến kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức). Ông Nhạ trấn an phụ huynh và học sinh rằng, kỳ thi năm nay gọn gàng, không gây nhiều áp lực cho xã hội. Ông cũng nhắc nhở giám thị dành thời gian đọc rõ quy chế, hướng dẫn chi tiết để thí sinh tham gia kỳ thi thuận lợi. Kết thúc buổi chiều làm thủ tục, TP HCM có 216 thí sinh vắng mặt, chủ yếu là thí sinh tự do. Chỉ ít thí sinh phải điều chỉnh thông tin cá nhân sai sót. Năm nay, TP HCM có hơn 71.500 thí sinh dự thi THPT quốc gia với 114 điểm thi, rải rác khắp 24 quận huyện.
  • Cơn mưa lớn đổ xuống TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và các huyện lân cận đúng lúc thí sinh đến điểm thi làm thủ tục. Tại hội đồng thi THPT Ngô Quyền, đa phần thí sinh tự đi xe đến, rất ít em có phụ huynh đưa đón. "Điểm thi gần nhà giúp tụi em đỡ mất công di chuyển, dành thời gian ôn luyện", Nguyễn Thị Duyên nói. Tại các phòng thi, giám thị mất 15-30 phút phổ biến quy chế, nhấn mạnh những thứ không nên đem vào phòng thi, cách làm bài thi tổ hợp. Một giám thị cho biết, giấy tờ thí sinh phần lớn đúng, ít sai sót nên buổi làm thủ tục diễn ra nhanh chóng. Năm nay Đồng Nai có hơn 26.000 thí sinh, dự thi tại 48 điểm thi. Trong đó, duy nhất trường THPT Đắc Lua (huyện Tân Phú) đến điểm thi xa nhất 60 km, còn lại thi tại địa phương các em theo học. 
  • Tại Cần Thơ, hàng nghìn thí sinh cũng đội mưa đến điểm thi làm thủ tục. Tại trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều, Nguyễn Hùng Việt tốt nghiệp THPT, tham dự kỳ thi vào Đại học Cảnh sát Nhân dân cho biết, sau một năm chuẩn bị ôn luyện, em khá tự tin vào kỳ thi lần này.
  • Tại Cà Mau, hơn 7.700 thí sinh cũng đội mưa đến 14 điểm thi làm thủ tục dự thi. Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi, điều chỉnh một số thông tin sai lệch trong phiếu đăng ký và nhận thẻ dự thi. Năm nay, Sở Giáo dục Cà Mau chủ trì, phối hợp với Đại học Y dược Cần Thơ và Đại học Kinh tế luật (Đại học quốc gia TP HCM) tổ chức cụm thi 63. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, ngành đã huy động hơn 1.000 cán bộ coi thi.
  • Tại Khánh Hòa, gần 13.000 thí sinh đã đến 28 điểm thi làm thủ tục, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Toàn tỉnh có hơn 240 trường hợp không đến điểm thi làm thủ tục, ông Trần Quang Mẫn - Phó giám đốc Sở Giáo dục thông tin.
13. Hà Tĩnh tự tin kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế
Thầy Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Tĩnh cho biết, đến chiều qua việc vận chuyển hàng trăm nghìn đề đến 34 điểm thi đã hoàn tất. Phòng cất giữ đề thi tại các điểm sẽ có 2 cán bộ công an phối hợp với trưởng điểm thi trông coi, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 16.700 thí sinh dự thi. Khoảng 2.000 cán bộ, giáo viên được cử làm nhiệm vụ coi thi, hơn 400 công an, 34 bác sĩ cũng được bố trí hỗ trợ.
Dự kiến tổng kinh phí cho kỳ thi THPT quốc gia khoảng 6 tỷ đồng, gồm chi phí coi thi, chấm thi, công tác phí cho các trường đại học tham gia làm nhiệm vụ. Đối với giáo viên làm nhiệm vụ coi thi thuộc biên chế của các trường THPT trên địa bàn, nhà trường sẽ phải tự túc kinh phí.

"Tới nay việc phối hợp coi thi, kế hoạch chấm thi cơ bản tốt. Hà Tĩnh tự tin kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế", Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Tĩnh nói.

12. Thừa Thiên Huế bố trí điểm thi ở nơi giao thông thuận tiện 
Chiều 20/6, TS Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế cho biết, công tác chuẩn bị cho hơn 13.000 thí sinh toàn tỉnh dự thi THPT quốc gia đã cơ bản hoàn thành. Sở đã nghiên cứu các điểm trường thuận lợi không xảy ra tình trạng kẹt xe, thành lập 32 điểm thi với hơn 550 phòng. Hơn 2.140 cán bộ coi thi, bảo vệ, y tế, công an được huy động. 
"Trong các khâu chuẩn bị kỳ thi năm nay, tôi lo nhất việc sao in đề thi sao cho chính xác, an toàn, không phai chữ. Để tránh việc sai sót trong việc nhân sao đề thi, chúng tôi đã cử 35 cán bộ phụ trách, 10 chiến sĩ công an bảo vệ vòng ngoài. Tôi cũng mong thời tiết thuận lợi để các em có tâm lý thoải mái", ông Hùng nói.


11. Nghệ An huy động 2.800 cán bộ coi thi, giám sát
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An cho biết đến chiều 20/6 việc vận chuyển hơn 202.000 đề thi từ nơi in sao đến điểm thi đã hoàn tất, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Với hơn 30.000 thí sinh dự thi, Sở Giáo dục bố trí 61 điểm thi với hơn 1.300 phòng. Hơn 2.600 cán bộ coi thi, hơn 200 cán bộ giám sát được huy động. Trong số này có khoảng 1.600 giám thị từ 9 trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức thi. Có hơn 620 công an, bảo vệ tham gia làm công tác an ninh cho kỳ thi.
Ngoài công an, có hơn 400 cán bộ, nhân viên y tế được huy động phục vụ kỳ thi. Sở Y tế được giao nhiệm vụ chủ động nhân lực, vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và thí sinh. 
Kinh phí dự tính tổ chức cho kỳ thi năm nay tại Nghệ An khoảng 10 tỷ đồng.
10. Đà Nẵng cấm xe ben ở tuyến đường trung tâm
Sáng 20/6, Sở Giáo dục Đà Nẵng làm việc với các trưởng điểm thi. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở cho biết đến nay công tác đề thi vẫn đảm bảo an toàn; những công việc liên quan đến kỳ thi được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thành phố cấm xe ben tại các tuyến đường trung tâm trong thời gian diễn ra kỳ thi để đảm bảo việc đi lại cho học sinh và phụ huynh.
Theo ông Vĩnh, Đà Nẵng thuận lợi hơn nhiều tỉnh thành vì số lượng thí sinh chỉ 11.200. 25 điểm thi hầu hết nằm ở thành phố, thuận tiện việc đi lại. Riêng 19 thí sinh Cơ Tu sẽ được bố trí thi tại trường THPT Phạm Phú Thứ (Hòa Vang); điểm thi xa nhất cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 25 km. "Giáo viên sẽ từ trung tâm thành phố mang đề lên điểm thi này để mở niêm phong, phát cho thí sinh làm bài, sau đó thu bài và về lại ngay trong ngày, không ở lại", ông nói thêm. Trước kỳ thi THPT quốc gia, thành phố đã tổ chức thi thử để tổng rà soát, rút kinh nghiệm. 
"Bây giờ chỉ còn lại nội bộ các điểm thi. Chúng tôi lo một số thí sinh tự do chỉ làm bài môn 1 với môn 3 trong bài thi tổ hợp. Việc phát đề cho đúng mã các bài thi phải hết sức thận trọng", ông Vĩnh nói và cho biết đã lưu ý trưởng điểm thi phải bình tĩnh để xử lý tình huống bất trắc có thể xảy ra.


9. Hà Nội rà soát kỹ hồ sơ đăng ký dự thi
Là địa phương có số thí sinh dự thi THPT quốc gia đông nhất cả nước, xấp xỉ 73.000, Hà Nội phối hợp với 12 đại học tổ chức thi. Toàn thành phố có 112 điểm thi với hơn 3.000 phòng. Số cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia coi thi hơn 7.000, trong đó một nửa là giảng viên đại học. Ngoài ra, còn có 1.120 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi.
Do lượng đề thi trắc nghiệm rất lớn (khoảng 77.000 đề tự luận, 400.000 đề thi trắc nghiệm), Sở Giáo dục đã thuê Đại học Bách khoa in sao đề thi. Đến tối qua, công tác in sao hoàn tất, sáng nay đề được chuyển tới điểm thi.
Công tác đảm bảo an ninh cho kỳ thi được thành phố đặc biệt chú trọng. Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Hà Nội đã phối hợp với Hội đồng tuyển sinh các cụm rà soát, kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi nhằm phát hiện những biểu hiện nghi vấn làm giả hồ sơ với mục đích thi kèm, thi hộ; làm giả giấy chứng nhận ưu tiên để cộng điểm.
Lực lượng Cảnh sát cơ động tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ đề thi. Tại một số địa điểm thi nằm gần khu dân cư, để tránh lộ đề, lực lượng an ninh đã tham mưu với nhà trường dán kín ô cửa kính. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cũng cắt cử lực lượng để đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thi, không để xảy ra ùn tắc làm thí sinh muộn giờ. 
8. Thí sinh Sài Gòn đội mưa làm thủ tục thi THPT quốc gia
Hàng chục nghìn thí sinh TP.HCM làm thủ tục dự thi THPT quốc gia trong cơn mưa tầm tã chiều 21/6.
Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP HCM), lúc 14h5, trong lúc thí sinh đứng giữa sân trường nghe giám thị phổ biến quy chế thi THPT quốc gia thì bất ngờ mưa lớn đổ xuống. Các thí sinh phải chạy vào đứng trong hành lang phòng thi để nghe giám thị phổ biến quy chế thi qua loa phát thanh. Sau khi làm thủ tục thi, mưa lớn vẫn chưa ngớt, các tình nguyện viên dùng ô để đưa các thí sinh ra bãi gửi xe, kịp về nhà.
Tại điểm thi THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), sau khi làm thủ tục thi xong, nhiều thí sinh nán lại cả giờ chờ tạnh mưa. Do mưa kéo dài, nhiều thí sinh vẫn đội mưa ra về.
Năm nay, TP HCM có hơn 71.500 thí sinh dự thi THPT quốc gia tại 114 điểm thi. Trong đó, hơn 3.000 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT và gần 5.700 thí sinh tự do.
TP HCM huy động khoảng 10.000 cán bộ coi thi, gồm 5.500 giáo viên do Sở Giáo dục điều động, còn lại là giảng viên từ 9 trường Đại học Quốc gia TP HCM và đại học Sư phạm TP HCM, Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Văn Hiến, Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, Quốc tế Hồng Bàng và Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

7. Quy trình thi THPT quốc gia và xét ĐH 2017
  • Bước 1: Học sinh làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia và xét ĐH
1. Đăng ký chọn thi những bài thi nào. Năm nay mỗi thí sinh được chọn tối đa 5 bài thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ, KHTN,KHXN), tùy theo nhu cầu học sinh sẽ phải chọn số bài thi hoặc môn tương ứng.
2. Học sinh làm hồ sơ từ 1/4 đến hết ngày 20/04.
3. Năm 2017 học sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học cùng với làm hồ sơ thi THPTQG 2017.
4. Thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng khi xét tuyển.
  • Bước 2: Tham gia thi THPT quốc gia (Ngày 22, 23,24 tháng 6)
Bài thi Toán: Trắc nghiệm 90 phút (50 câu)
Bài thi Ngữ văn: Tự luận 120 phút
Bài thi Ngoại ngữ: Trắc nghiệm 60 phút (50 câu)
Các bài thi Khoa học Tự nhiên: 150 phút - 120 câu
Khoa học Xã hội: Trắc nghiệm 150 phút mỗi bài (120 câu)
  • Bước 3: Công bố điểm thi THPT QG và cấp chứng nhận kết quả thi
Theo lịch công tác Bộ GD thì 7/ 7/2017 sẽ công bố điểm thi. Ngày 17/07/2017 sẽ gửi giấy công nhận kết quả thi THPTQG 2017. Đối với thí sinh chỉ mục đích xét công nhận tốt nghiệp thì đến bước 3 là hoàn thiện quá trình thi THPT quốc gia 2017. Đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học thì tiếp tục các bước tiếp theo
  • Bước 4: Xét tuyển ĐH, Cao đẳng
Theo đó học sinh cần theo dõi điểm đầu vào các trường, điểm của mình để xem xét để quyết định có điều chỉnh nguyện vọng của mình hay không. Theo quy định Trước 15/07 các trường công bố điểm đầu vào xét tuyển.
Trước khi các trường xét tuyển từ Từ 15/07 học sinh được điều chỉnh nguyện vọng duy nhất 1 lần theo một trong hai cách: Cách 1 tới 21/07 (trên mạng) hoặc tới 23/07 (viết trên giấy nộp tại nơi ĐKDT)
  • Bước 5: Xét tuyển đợt 1
Trước 17h ngày 1/8/2017, các trường ĐH, CĐ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 tức là đồng nghĩa với việc học sinh sẽ biết điểm chuẩn 2017 cũng như biết mình trúng tuyển vào ngành và trường nào hay đã trượt.
Trường hợp nếu học sinh trúng tuyển thì ngay lập tức cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản chính và không được xét các đợt xét tuyển tiếp theo Trước  17h00 ngày 07/8/2017 (theo dấu bưu điện nếu nộp qua bưu điện).
  • Bước 6: Xét tuyển các đợt bổ sung
Từ 13/08 các trường thiểu chỉ tiêu bắt đầu xét tuyển các đợt bổ sung.

6. Nguyện vọng xét tuyển, thí sinh sẽ đăng kí nguyện vọng trước khi thi
  • Tối thiểu 25% chỉ tiêu để xét tuyển cho các khối thi truyền thống (Khối A, A1, B, C, D...)
Bộ GD-ĐT yêu cầu những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/ bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.
Việc thêm các tổ hợp môn thi/ bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 môn thi/ bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi/ bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/ bài thi để xét tuyển cho một ngành.
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/ môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
  • Không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển
Trong quy định về tổ chức xét tuyển, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không giới hạn số nguyện vọng của thí sinh.
  • Đăng ký nguyện vọng trước khi thi
Khác với năm 2016 - thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 7 - năm 2017, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng trước khi thi.
Cụ thể, thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Trong đợt 1, đối với các trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.
Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký
Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi/ bài thi theo thang điểm 10 đối với từng môn thi/ bài thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25, cộng với điểm ưu  tiên đối tuợng, khu vực. Nếu có các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển đối với thí sinh ĐKXT nguyện vọng ưu tiên cao hơn và theo các điều kiện phụ mỗi trường đã thông báo.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác bổ sung.
  • Các trường có thể lập nhóm xét tuyển
Trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi, các trường công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh ĐKXT: mã số trường, mã số ngành, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, tổ hợp xét tuyển, điểm nhận ĐKXT, quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp, các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển... và các quy định khác... 
Bộ GD-ĐT cho phép các trường có thể tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển.  
Trường quyết định điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển vào các ngành của trường và công bố kết quả trúng tuyển trong thời hạn quy định.
  • Được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia
Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí ĐKXT. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến (không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường).
Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh hay nộp bằng phương thức khác do trường quy định.
  • Chỉ xác nhận trúng tuyển 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất
Theo dự thảo, sau khi kết thúc thời gian đăng ký dự thi, các trường tham khảo thông tin trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp.
Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường/ nhóm trường khai thác thông tin (của trường/ nhóm trường mình và của các trường/ nhóm trường khác có liên quan) trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường.
Các trường/ nhóm trường (bao gồm cả các trường đặc thù) nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh được dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.
  • Không giới hạn số đợt xét tuyển bổ sung
Bộ GD-ĐT dự kiến các trường có thể thực hiện xét tuyển bổ sung một lần hay nhiều lần.
Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.

5. Thời tiết các miền vào 3 ngày thi THPT Quốc gia 2017
  • Khu vực Bắc Bộ:
Ngày 21/6: Nhiều mây, có mưa, vùng núi có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Gió nhẹ. Cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh trong cơn dông. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ.
Nhiệt độ cao nhất từ 30-33 độ, có nơi trên 34 độ.
Ngày 22-24/6: Mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, phía Tây Bắc Bộ có nơi nắng nóng; vùng núi chiều tối và đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nhẹ.
Nhiệt độ thấp nhất: 25-28 độ. Nhiệt độ cao nhất: 32-35 độ, có nơi trên 35 độ.
  • Khu vực Trung Bộ (Thanh Hóa đến Bình Thuận):
Từ ngày 21-24/6: Mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên ngày nắng nóng. Gió tây nam cấp 2-3.
Nhiệt độ thấp nhất: 25-28 độ. Nhiệt độ cao nhất 34-37 độ, có nơi trên 38 độ; Các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận: 32- 35 độ.
  • Khu vực Tây Nguyên:
Ngày 21-24/6: Mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió tây nam cấp 2-3.
Nhiệt độ thấp nhất: 21-24 độ. Nhiệt độ cao nhất: 29-32 độ.
  • Khu vực Nam Bộ:
Ngày 21-24/6: Mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió tây nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất: 24-27 độ. Nhiệt độ cao nhất: 32-35 độ.


4. Những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017
  • Thay vì thi 8 môn như năm 2016, thí sinh năm nay sẽ thi 5 bài, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Trong đó, việc môn Toán thi trắc nghiệm nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo. Trong phương án thi chính thức, thí sinh làm bài môn Toán trong 90 phút.
  • Năm 2017, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức thi Lịch sử và Giáo dục Công dân theo hình thức trắc nghiệm. Với các bài thi tổ hợp, thời gian làm mỗi thành phần của bài thi là 50 phút (tổng cộng 150 phút cho ba thành phần môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).
  • Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần để phục vụ xét tuyển đại học.
  • Theo Bộ GD&ĐT, điểm liệt của mỗi bài thi độc lập và thành phần dạng tổ hợp là 1 điểm. 
  • Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này được chấm bằng phần mềm máy tính. 
  • Năm 2017, nội dung thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Các kỳ thi trước, nội dung thi nằm phần nhiều ở lớp 12, rải rác chương trình lớp 10 và 11.
  • Nếu năm 2015 và 2016, kỳ thi THPT tồn tại hai loại hình cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì và các trường đại học chủ trì, thì năm nay, cụm thi được rút gọn. Bộ GD&ĐT sẽ cử giáo viên của các trường đại học, cao đẳng về sở GD&ĐT để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.
  • Thời gian thi THPT quốc gia được diễn ra sớm hơn mọi năm một tháng.
  • Ngày thứ nhất, thí sinh sẽ thi Ngữ văn, Ngoại ngữ (buổi sáng), chiều thi Toán. Ngày thứ hai, thí sinh thi Khoa học tự nhiên (buổi sáng), buổi chiều thi Khoa học xã hội.
  • Phần mềm có tác dụng dành cho các trường cao đẳng, đại học kiểm soát được lượng thí sinh đăng ký vào trường mình.
3. Hình thức xét tuyển

  • Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
  • Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh GDTX có thể chọn dự thi cả bài thi Ngoại ngữ, điểm bài thi này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
  • Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.
2. Phải có chứng minh nhân dân mới được dự thi
  • Khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có Chứng minh nhân dân. Các sở GDĐT, các trường phổ thông hướng dẫn để học sinh có Chứng minh nhân dân trước khi nộp Phiếu ĐKDT. Trong trường hợp không có Chứng minh nhân dân thì phần mềm QLT sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý.
  • Những thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ thì phải đăng ký số điện thoại, email của mình khi ĐKDT (lưu ý thí sinh đã đăng ký sơ tuyển phải dùng Chứng minh nhân dân thống nhất khi ĐKDT và đăng ký sơ tuyển).
1. Mỗi thí sinh có 1 tài khoản riêng
Sau khi nộp Phiếu ĐKDT, thí sinh sẽ được đơn vị ĐKDT cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm QLT qua internet tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào phần mềm QLT từ khi ĐKDT đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Để bảo mật thông tin, khi nhận được tài khoản và mật khẩu thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu. Thí sinh cần phải bảo mật tài khoản và mật khẩu của mình.
rong trường hợp thí sinh quên tài khoản và mật khẩu thì có thể liên hệ với đơn vị ĐKDT để xin cấp lại.
Tùy từng thời điểm, khi đăng nhập vào phần mềm QLT, thí sinh có thể biết được các thông tin như: Thông tin ĐKDT (phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 25/4/2017); thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT (phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 25/5/2017); Giấy báo dự thi; Địa điểm thi; Kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; Kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ.












Tiếp tục cập nhật...


MỚI NÓNG

Cuộc tình đẹp như mơ của Kim Lý - Hồ Ngọc Hà và cái kết có hậu

Trước khi yêu Hồ Ngọc Hà, Kim Lý có sự nghiệp diễn xuất khá mờ nhạt. Năm 2014, Kim Lý xuất hiện trong showbiz Việt như một tên tuổi mới đầ...

BÀI HAY

BÀI ĐỌC NHIỀU