Hãy thử 72 giờ không Facebook

Năm 2016, theo WeAreSocial, người Việt Nam trung bình dành khoảng 5 giờ trên Internet. Việt Nam hiện có hơn 35 triệu tài khoản Facebook - khoảng 1/3 dân số. Ngoài những tiện ích của mạng xã hội, thì sự lệ thuộc và những tác động của công nghệ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới mối quan hệ và tương tác của chúng ta trong thế giới thật.
Việt Nam hiện có hơn 35 triệu tài khoản Facebook
Nhiều bạn trẻ cảm thấy lo lắng, bứt rứt không yên nếu điện thoại hết pin hoặc mất Internet. Họ sợ bị bỏ lỡ điều gì và mất kết nối trong thế giới ảo kia. Sự lệ thuộc và đầu tư vào thế giới ảo đang xâm chiếm cuộc sống và mối bận tâm của những công dân số. Bây giờ ở bất kỳ một khu vực công cộng nào như nhà ga, sân bay, bến xe, công viên, quán café… thì số người sử dụng điện thoại thông minh để lướt web hay Facebook luôn chiếm đa số.
Hiện nay, Facebook được hỗ trợ trên các phương tiện từ máy tính, điện thoại, máy tính bảng và cả ti vi. Người dùng có thể lên facebook ở bất cứ ngóc ngách nào, mọi lúc mọi nơi. Nếu dùng điện thoại, sẽ có chức năng thông báo để người dùng dễ dàng nắm bắt thông tin. Kể cả khi không cài đặt chức năng này thì các tín đồ facebook vẫn lướt facebook vài phút một lần.
Ở bất kỳ một khu vực công cộng nào thì số người sử dụng Facebook luôn chiếm đa số
Họ có thể thiếu thời gian cho việc khác, nhưng luôn ưu ái, thậm chí là dành nhiều giờ cho facebook. 
Nhiều cặp vợ chồng bây giờ lên giường với điện thoại để vào Facebook thay vì nằm cạnh nhau để tâm sự, âu yếm. Cuộc sống tình dục cũng từ đó mà giảm dần. Và hình như Facebook là căn nguyên của tính cáu bẳn của vợ hoặc chồng khi đời sống tình dục không được thỏa mãn.
Facebook là căn nguyên của đời sống tình dục vợ chồng không được thỏa mãn
Nhiều gia đình trong bữa cơm hàng ngày thậm chí mỗi người chỉ biết chăm chú vào trang Facebook cá nhân của mình mà không hệ nói chuyện gì với nhau.
Mới đây Đại học KHXH&NV Hà Nội đã tổ chức thực nghiệm một dự án “72 giờ không Facebook”. Có nhiều tình nguyện viên đã tham gia dự án này. Họ đã đưa ra rất nhiều lý do khiến họ muốn tham gia. Những lý do tác động tới tâm lý họ mà chúng ta đều nhìn thấy trong môi trường sống xung quanh như vô thức 10 phút lại kiểm tra điện thoại và Facebook một lần, hay phản xạ cứ mở điện thoại ra là ấn vào biểu tượng Facebook đầu tiên, tâm trạng bất an phải post gì tiếp theo trên Facebook kéo dài cả ngày, bứt rứt khó chịu và suy nghĩ nhiều về những gì bạn bè viết trên Facebook. Trong vô vàn lý do khác, có người trình bày do bạn bè, công việc và cả thế giới của họ đều trên mạng và họ muốn ba ngày thực nghiệm như một kỳ nghỉ.
Một cựu sinh viên đã kể em ăn, ngủ cùng Internet liên tục trong mấy năm vừa qua. Em dùng Facebook như phản xạ không điều kiện. Lúc nào có thời gian là em đều vào.  
Bác sĩ Mandy Saligari ở London mới đây đã viết trong một nghiên cứu của mình “Đưa điện thoại cho trẻ cũng giống đưa cho chúng một gram cocaine”. Sử dụng điện thoại hay iPad nhiều tác động tới nhân cách, tinh thần, tâm lý và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Ngoài ra, rất nhiều các thiết bị truy cập Internet của người lớn không để chế độ chặn độ tuổi dưới 16, nên rất khó kiểm soát những nội dung trẻ vô tình xem.
Một bạn sinh viên có rất nhiều người bạn trên facebook. Bất cứ status nào của bạn ấy đều được các friend like, comments sôi nổi. Bạn ấy gần như không còn có thói quen gặp gỡ bạn bè ngoài đời, kể cả những người bạn chơi với nhau trước đây. Đến một ngày, bạn sinh viên này bị bệnh phải nhập viện. Bạn ấy vẫn cập nhật tình hình lên facebook và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những comments thăm hỏi. Tuyệt nhiên trong số gần hàng ngàn friend đó, không ai có ý tưởng sẽ đến thăm bạn, sẽ nắm lấy bàn tay gầy rộc đi của bạn ấy, hay bón cho bạn từng muỗng cháo.
Bạn ấy đã “đắng lòng” nhận ra những mối quan hệ bao lâu nay của mình chỉ là ảo. Bạn ấy xót xa post thêm một status: “Nếu mình chết đi, bạn bè vẫn ngồi ôm khư khư cái máy tính, hay điện thoại để cập nhật trạng thái. Có đứa còn phải vất vả đi chụp lại những comment tình cảm để chứng minh tình bạn gắn bó lâu năm với dân cư facebook.".
Rất nhiều thói quen đã thay đổi vì Facebook 
Ngày nay có lẽ thế hệ 8X - 9X thích giá trị bên ngoài (tiền bạc, hình ảnh và danh tiếng) hơn những giá trị nội tại. Họ đầu tư cho nhận diện số và thể hiện nhiều hơn trên mạng xã hội. Những mầm bệnh “ái kỷ” dễ phát ra khi có thêm chiếc camera selfie và sân chơi để thể hiện như mạng xã hội. Những thuật toán của Facebook dựa trên nguyên lý “công nghệ thuyết phục”. Họ thay đổi liên tục để thu hút người dùng và khiến họ không bị nhàm chán, ngày càng cuốn vào và lệ thuộc nó.
Internet cũng cho người dùng phép màu ẩn danh để thể hiện phần xấu xí trong con người dễ dàng ở thế giới ảo. Nhưng những gì xảy ra ở thế giới ảo đều tác động trực tiếp tới cảm xúc thực tại của người tiếp nhận nó.
Công nghệ chỉ mang lại sự tiện lợi. Chúng ta có thể tận dụng công nghệ, nhưng không nên để các mối quan hệ của chúng ta đột biến, mờ cảm xúc và mất tương tác thật theo công nghệ. Có thể nhiều người hiểu được điều đó. Nhưng ngày càng nhiều người đang để công nghệ tấn công huỷ hoại cuộc sống thật, hay những khoảnh khắc chạm, sờ tương tác thật và rất người của họ.
Không có một thực tại nào khác ngoài thực tại bạn đang sống. Nhưng hơn 40% số người tham gia trong dự án thực nghiệm “72 giờ không Facebook” đã không thể từ bỏ được Facebook sau sáu tiếng đồng hồ đầu tiên. Nếu có thể, bạn hãy tự thử nghiệm “72 giờ không Facebook” và tự giám sát bản thân mình. Bao nhiêu người có thể trụ được tới thứ hai tuần sau?

MỚI NÓNG

Cuộc tình đẹp như mơ của Kim Lý - Hồ Ngọc Hà và cái kết có hậu

Trước khi yêu Hồ Ngọc Hà, Kim Lý có sự nghiệp diễn xuất khá mờ nhạt. Năm 2014, Kim Lý xuất hiện trong showbiz Việt như một tên tuổi mới đầ...

BÀI HAY

BÀI ĐỌC NHIỀU