Bạo lực học đường: nỗi đau nhức nhối của ngành giáo dục

Bạo lực trong trường học, câu chuyện không mới, nhưng lại luôn là vấn đề nóng đối với xã hội và hiện chưa có giải pháp để giải quyết triệt để. Các vụ việc bạo lực được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây cho thấy, mức độ ngày càng nghiêm trọng khi không chỉ học sinh đánh nhau mà cả nhóm học sinh đánh một học sinh, thậm chí là phụ huynh đánh học sinh và giáo viên ngay trong trường học. Những vụ việc này đã và đang là hồi chuông cảnh báo về sự bất lực của nhà trường, phụ huynh và nhận thức về pháp luật của nhiều người dân chưa cao.
Ngành giáo dục năm 2018 đã nóng với việc nữ giáo viên quỳ trước mặt phụ huynh, học sinh bóp cổ cô giáo, thầy giáo bị đánh gãy xương mũi... Liên tục những sự việc khiến nhiều người dân cảm thấy bất an ở chốn học đường, nơi lâu nay vẫn được xem là an toàn và lễ giáo. 
Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là mỗi người liên quan đến sự việc đã chưa kìm nén được cảm xúc nhất thời của mình. Cái sai không chỉ dừng ở một người mà kéo theo dây chuyền, làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục.
1. Sự cứng nhắc của người thầy
Một bộ phận giáo viên hiện nay chưa làm chủ được hành vi, cảm xúc của mình. Khi học trò vi phạm, quậy phá, thầy cô chưa đưa ra phương pháp giáo dục tối ưu mà cho mình là đúng và đưa ra hình phạt cứng nhắc, thậm chí phản cảm.
Chuyện cô giáo tiểu học bị phụ huynh bắt quỳ gối suốt 40 phút ở Long An được nhiều người cảm thông, nhưng rõ ràng cô giáo đã có biện pháp giáo dục chưa phù hợp với học trò. Các em mới lớp 4, chỉ 10 tuổi, đang rất sợ thầy cô giáo. Học sinh cá biệt ở tiểu học rất hiếm, dù có cũng không dám phản kháng, chống đối thầy cô. Nhưng cô lại bắt quỳ nhiều lần, gây sợ hãi cho học trò.
Sự việc thầy giáo chủ nhiệm lớp 9 ở Nghệ An bị anh trai học sinh đánh gãy xương mũi cũng do xử lý tình huống chưa khéo léo. Vẫn biết là học sinh cấp THCS đang có nhiều thay đổi, cái tuổi dở dở ương ương rất khó dạy, song thông thường vẫn rất sợ giáo viên chủ nhiệm. Khi học trò đốt giấy trong lớp, phải hỏi vài lần học sinh mới đứng lên nhận lỗi trước lớp, nhưng dù sao đó cũng là điều đáng ghi nhận về sự trung thực của trò.
Đáng lẽ thầy chủ nhiệm phải nhìn thấy điều đó, nhưng đã mất bình tĩnh, tát học sinh. Anh trai học sinh đến nói chuyện và hành hung khiến thầy gãy xương mũi. Vết thương ở mũi rồi sẽ lành, nhưng chắc chắn vết thương của tình thầy trò thì không dễ lành trong một sớm một chiều.
Thầy Thủy đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn
Không chỉ thế, một số em không thiết tha với học tập. Nhiều học trò thầy cô gọi lên trả bài nói gọn lỏn 2 tiếng “không thuộc”, có em còn thách thức “thích cho bao nhiêu điểm thì cho”. Khi kiểm tra có em sẵn sàng nộp giấy trắng. Những trường hợp như thế nếu giáo viên không kiềm chế được thì rất dễ xảy ra hành động mất kiểm soát…
2. Một số phụ huynh ứng xử với thầy cô kiểu “ăn miếng, trả miếng”
Việc giáo viên có hành vi chưa đúng mực với học trò rất đáng bị lên án. Nhưng không phải vì thế mà phụ huynh có thái độ, hành động “trả đũa” với thầy cô của con mình. Phải đặt mình vào vị trí của người thầy mới thấy được những khó khăn khi đứng lớp.
Ở nhà, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 đứa con mà đôi lúc còn bất lực, nóng nảy. Trong khi thầy cô có 35-45, thậm chí 60 học trò mỗi lớp. Mỗi em có tính cách,  mục đích học tập khác nhau. Đôi lúc thầy cô có những lời nói, cách dạy dỗ cứng nhắc thì cũng là thường tình. Nếu phụ huynh hiểu thì chỉ cần góp ý, giúp thầy cô cùng gia đình giáo dục con em mình tốt hơn, giữ được hình ảnh cho đôi bên. 
Chỉ khi nào phụ huynh có con em hay vi phạm và giáo viên có sự cảm thông, sẻ chia với nhau thì lúc ấy mới có thể uốn nắn, giáo dục học trò nên người. Khi gặp trường hợp ngoài ý muốn, nếu phụ huynh không bình tĩnh sẽ dẫn đến sai phạm có hệ thống. Học trò sai, dẫn đến thầy cô sai và cuối cùng là phụ huynh.
Phụ huynh có thời gian nghĩ suy nhiều nhất, bởi thường gián tiếp biết sự việc. Khi nghe con em mình nói lại, phụ huynh cũng cần tìm hiểu thấu đáo. Nếu không bình tĩnh, đôi lúc cha mẹ lại hại con mình. Bởi khi đã mắng nhiếc, bắt giáo viên quỳ thì thầy cô nào dám dạy con mình, bạn bè cũng ngại chơi với bạn có cha mẹ như thế. Vô tình phụ huynh đẩy con vào thế kẹt, lẻ loi chốn học đường…
Sự việc "cô giáo quỳ" xảy ra tại Trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An
3. Học sinh bây giờ…
Hầu hết giáo viên đều công nhận học sinh bây giờ thông minh, hiếu động hơn ngày trước rất nhiều. Trong đó có một số em quậy phá, xem thường thầy cô. Một số em vào trường không học hành mà chỉ quậy phá, nhất là học sinh cấp 2-3, lứa tuổi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới, hay muốn chứng tỏ mình trước bạn bè.
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, thành phố Hà Nội, Hải Phòng... đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên trường học. Trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà là một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, dẫm, đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy đánh một bạn hết sức tàn bạo, còn nạn nhân thì không thể phản kháng.
Nhiều vụ việc xảy ra ngay trong lớp học, có nhiều học sinh chứng kiến, quay clip, rồi đưa lên mạng xã hội. Mới đây nhất, là vụ việc một học sinh lớp 12 ở tỉnh Tuyên Quang bị 1 học sinh và 1 thanh niên đánh tử vong ngay trong trường học. Không chỉ học sinh đánh nhau, tại Nghệ An, Hải Phòng còn xảy ra vụ việc phụ huynh vào trường đánh học sinh, đánh giáo viên phải nhập viện. Khi xem những clip này, nhiều người không khỏi xót xa trước tình trạng bạo lực học đường đang ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh.
  
Bạo lực học đường: nỗi đau nhức nhối của ngành giáo dục
Để giáo dục phát triển, trường học thực sự là môi trường sư phạm mẫu mực thì cần sự chung tay của cả giáo viên, phụ huynh và nhà quản lý. Thầy cô cần linh hoạt trong phương pháp giáo dục, phụ huynh cần có cái nhìn thông cảm, sẻ chia với thầy cô. Nếu người lớn “ăn thua” với nhau thì sự thua thiệt nhất sẽ là học trò.

MỚI NÓNG

Cuộc tình đẹp như mơ của Kim Lý - Hồ Ngọc Hà và cái kết có hậu

Trước khi yêu Hồ Ngọc Hà, Kim Lý có sự nghiệp diễn xuất khá mờ nhạt. Năm 2014, Kim Lý xuất hiện trong showbiz Việt như một tên tuổi mới đầ...

BÀI HAY

BÀI ĐỌC NHIỀU