Ca sỹ Tùng Dương trong
một bài phỏng vấn đã nêu rõ quan điểm của mình về bolero. Theo đó, anh bày tỏ
cái nhìn không mấy lạc quan khi cho rằng Bolero chỉ có giá trị về mặt hoài
niệm và nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực
sự là sự thụt lùi trong âm nhạc.
Nhận xét này của anh
ngay sau đó đã nhanh chóng vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ các ca sỹ,
nhạc sỹ và nhà phê bình âm nhạc.
Ca sỹ Tùng Dương |
Danh ca Giao Linh:
“Miễn sao cái tụt hậu của mình làm người ta yêu thích thì tôi vẫn vui vẻ chấp
nhận”
Danh ca Giao Linh |
Danh ca Giao Linh khi
được hỏi cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm. Theo bà,
không có khái niệm nhạc sến hay nhạc sang, miễn nó đi sâu vào lòng khán giả thì
với bản thân người sáng tác và thể hiện đã là một việc ý nghĩa.
Trước những phát
ngôn của gây tranh cãi về bolero thời gian qua, 'Nữ hoàng sầu muộn'
xin phép không bình luận vì quan điểm của mỗi người chắc chắn sẽ không giống
nhau do có sự khác biệt về văn hóa, vùng miền...
"Nhiều người
hay nói tôi hay các ca sĩ khác hát bolero là tụt hậu, lỗi thời nhưng miễn sao
cái tụt hậu của mình làm người ta yêu thích thì tôi vẫn vui vẻ chấp nhận",
Giao Linh nói.
Danh ca Phương Dung: “Không yêu bolero cũng đừng nói tiến
hay lùi”
Danh ca Phương Dung |
Danh ca Phương Dung, người được mệnh danh là “nhạn trắng Gò Công”
thì lại cho rằng, nếu ai nói đắm đuối với bolero là bước thụt lùi của âm nhạc
thì người đó chưa hiểu gì về dòng nhạc này.
"Tôi đã sống trên sân khấu này gần hết cuộc đời. Bolero trở lại
một cách mãnh liệt chứng tỏ những lời nhạc của các nhạc sĩ viết quá hay. Hiện tại,
giới trẻ chưa viết được xuất sắc như vậy. Không yêu thì đừng nói là tiến hay
lùi. Tùng Dương là người còn nhỏ tuổi hơn con của tôi mà nói câu đó thì tôi chắc
Tùng Dương chưa thấu đáo lắm với nhạc bolero, thể loại nhạc mà tác giả đã mang
tâm tư, tim óc của mình ra để đặt vào đó", danh ca Phương Dung chia sẻ.
Dù phản ứng về phát ngôn của Tùng Dương nhưng nữ danh ca thừa nhận,
đang có hiện trạng rất nhiều ca sĩ hát nhạc nhẹ chạy theo hát dòng nhạc này.
Theo bà, có một số ca sĩ không hát được bolero nhưng vẫn chạy theo hát để kiếm
sống. Một số ca sĩ hát bolero nhưng chưa tới.
Không chỉ phản ứng phát ngôn “Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với
bolero thì đúng là một sự thụt lùi” trong âm nhạc, bà còn không đồng tình với ý
kiến nói “bolero không mang tính chất sáng tạo”. "Nói bolero không có sáng
tạo là sai. Những người như nhạc sĩ Anh Bằng, Lê Vinh,... viết bolero vào mãi
sau này với những ca khúc như "Khúc Thụy Du", "Anh còn nợ
em" vẫn rất mới và sáng tạo đó chứ?", bà phản biện.
Cũng nói về trào lưu nhiều nghệ sĩ đua nhau hát bolero, “Nhạn trắng
Gò Công” cho rằng, nếu không hát đến nơi đến chốn thì đừng hát. Bởi nếu không cẩn
thận, mọi người hiểu lầm bolero là nhạc rẻ tiền, làm giảm giá trị của dòng nhạc
này.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: "Tùng Dương
đang tự ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm"
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng |
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang tất bật chuẩn bị cho show diễn về dòng nhạc
Bolero tại Hà Nội - không giấu sự bức xúc. Anh cho rằng "Tùng Dương đang tự
ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm".
Mr. Đàm nhấn mạnh: "Đừng cho phép mình cái quyền phán xét âm
nhạc. Những người chuyên môn giỏi hơn gấp bội còn chưa huênh hoang. Như trong
giang hồ, đại ca thứ thiệt thường ít lộ diện và nói về bản thân".
Với Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ nên chuyên tâm cống hiến với những sản
phẩm mới. "Xét tới xét lui, cuối cùng nghệ sĩ chỉ là người truyền cảm xúc
và truyền lửa âm nhạc cho khán giả mà thôi", ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói.
Tùng Dương đánh giá Bolero chỉ là hoài niệm và
anh tôn trọng sự tìm kiếm cái mới trong âm nhạc. Đối đáp khi bị cho đang chạy
theo cái cũ, Đàm Vĩnh Hưng nói: "Tôi mừng khi các bạn tìm đến cái mới
trong âm nhạc nhưng bạn không có quyền chọc vào tổ kiến cũ. Tổ kiến đó có bao
giờ chỉ trích việc sáng tạo làm mới của các bạn".
"Tôi chỉ thấy rằng trong khi chờ đợi một cái
mới mẻ, đủ sức hấp dẫn tôi và nhiều thế hệ khác chạy theo, chúng tôi đã tự cứu
mình. Chúng tôi tự cứu bằng những gì tuyệt vời nhất mà người xưa để lại. Tôi
làm được thì các bạn nên hỏi tại sao?", ca sĩ Say tình đáp lời.
Nữ ca sĩ Lệ Quyên: “Phát ngôn đầy tranh cãi kia chỉ mang tính
đố kỵ”
Nữ ca sĩ Lệ Quyên |
Nữ ca sĩ Lệ Quyên bình luận: "Hát thử một
bài Bolero đàng hoàng xem, nhiều ai đó sẽ cúi rập đầu bái phục. Nhưng nếu bạn
làm không nổi thì biết làm sao". Theo cô, phát ngôn đầy tranh cãi kia chỉ
mang tính "đố kỵ".
Ca sĩ Hồ Quang 8: “Tùng Dương đừng kỳ thị Bolero”
Ca sỹ Hồ Quang 8 |
Với tôi, Tùng Dương có thể nói không thích và không hát Bolero
nhưng Tùng Dương đừng kỳ thị Bolero. Và cũng đừng muốn khán thính giả yêu thích
dòng nhạc này bỏ để theo dòng nhạc của Tùng Dương. Đồng ý, Tùng Dương là ca sĩ
tài năng, luôn sáng tạo, tìm tòi cái mới, không muốn lặp lại sự nhàm chán.
Nhưng thử hỏi, nếu cứ mãi như thế, với cách trình bày ca khúc cũng
như trang phục như thế thì Tùng Dương cũng sẽ bị nhàm chán. Dù có thay đổi đến
cỡ nào vẫn không thoát ra được yếu tố cá nhân của ca sỹ.
Nhạc sĩ Giao Tiên: “Đừng phán xét khi mình chưa nắm rõ dòng nhạc
này”
Nhạc sĩ Giao Tiên |
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1965,
Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng của miền nam
Việt Nam .
Với gia tài âm nhạc gần 800 bài hát, ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng
đã ghi đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ công chúng như: Cô thắm về làng, Vó ngựa trên đồi
cỏ non, Nhớ người yêu, Tình đẹp mùa chôm chôm…
Nhạc sĩ gạo cội tỏ ra bức xúc: "Các vị cứ hô hào hát nhạc sang mới là đẳng
cấp, còn chúng tôi là dòng nhạc ướt át, quê mùa. Nhưng thử nhìn vào thực tế
khán giả xem họ phản ứng thế nào? Chúng tôi khi sáng tác cũng như các vị, đều
mong muốn đứa con của mình được đón nhận. Mỗi nghệ sĩ khi làm nghề đều có hướng
đi riêng, xin đừng phán xét khi mình chưa nắm rõ dòng nhạc này".
Nhạc sĩ Vinh Sử: “Bolero khiến người ta thụt lùi hay Tùng
Dương đang bị thụt lùi?”
Nhạc sỹ Vinh Sử |
Việc Tùng Dương nói: “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang
tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với
Bolero thì đúng là một sự thụt lùi” là không đúng. Nói thế là lộng ngôn. Bolero
khiến người ta thụt lùi hay Tùng Dương đang bị thụt lùi?
Với tôi, một người học nhạc, biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, ca
sĩ nổi tiếng… mà nói Bolero có thể khiến người ta thụt lùi nếu đắm đuối nghe
thì đó không phải là ca sĩ nổi tiếng. Tôi không biết Tùng Dương nổi tiếng cỡ
nào nhưng mà ở khu vực phía Nam
chưa chắc đã có nhiều người nghe âm nhạc của Tùng Dương bằng nghe Bolero.
Nhạc Bolero khi du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60 là ở miền Nam
chứ không phải miền Bắc. Thời đó, có nhiều nhạc sĩ đã viết nên những Bolero nổi
tiếng như “Đập vỡ cây đàn”. Cho đến sau này, tôi viết những bài “Nhẫn cỏ cho
em”, “Vòng nhẫn cưới”… Những bài hát có đó tuổi đời trên 40 năm nhưng vẫn được
mọi người yêu mến. Từ tiệc vui cho đến tiệc buồn, từ người sang trọng đến người
bình dân… vẫn hát, vẫn thuộc, vẫn yêu.
Người ta yêu, nghe và thuộc Bolero nhưng xã hội vẫn phát triển. Thậm
chí, có những người rất thành đạt nhưng cả đời họ chỉ nghe mỗi Bolero. Âm nhạc
thuộc về cảm xúc, cái gì có thể khiến cho người ta xúc cảm thì người ta nghe.
Cho nên đừng lộng ngôn mà nói Bolero khiến cho con người ta thụt lùi. Có chăng
là “đại ca sĩ” Tùng Dương thụt lùi khi có những suy nghĩ và phát ngôn như thế.
Những gì Tùng Dương phát biểu, có thể ngầm hiểu là ông ấy tự hào
nói âm nhạc do mình sáng tạo ra có sức sống hơn, có thể đưa con người phát triển…
vậy thử hỏi Tùng Dương vào khu vực phía Nam hát xem có ai nghe không. Ông này
đang nằm ở một cái ốc đảo sáng tạo hoặc một cái giếng nước nào đó rồi tự mê hoặc
về tài năng của mình.
Tôi nói thật, tuổi đời lẫn tuổi nghề của Tùng Dương còn ít, còn trẻ,
chưa đủ để thẩm thấu tất cả mọi sự trên đời đâu… nên cần phải biết khiêm tốn
khi nói năng. Không nên có những nhận định mang tính bài bác trong âm nhạc như
thế.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh: “Âm nhạc không có tội, nó hoàn toàn
không đáng để đem ra mổ xẻ như độc dược”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh |
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết đây chỉ là quan
điểm cá nhân của mỗi người nên không thể đánh giá đúng hay sai. Tuy nhiên, Tuấn
Khanh đặc biệt nhấn mạnh: "Âm nhạc không có tội, nó hoàn toàn không
đáng để đem ra mổ xẻ như độc dược. Ngày nào công chúng còn công nhận thì
nó vẫn còn tồn tại. Nếu hơn 60% những người nghe nhạc trên đất nước này vẫn đang
chấp nhận bolero, thì ý kiến trái chiều của Tùng Dương, Quốc Trung hay Lê Minh
Sơn chỉ là một góc của sự khác biệt mà thôi".
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Tôi trân trọng những
phản biện của ca sĩ Tùng Dương”
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long |
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã đưa ra góc nhìn riêng:
“Lẽ thường các ca sĩ đang được “ăn lộc” của bolero, có nhiều lợi danh và tiền bạc
từ bolero thì phải cảm ơn bolero và bảo vệ bolero. Như thế cũng là phải đạo, trọn
tình.
Ngược lại, có thể các ca sĩ không thuộc dòng nhạc này hoàn toàn có
quyền bày tỏ quan điểm và cách nhìn nhận riêng về dòng nhạc. Tốt hay xấu gì
cũng chỉ là quan điểm của cá nhân ca sĩ đó. Nó chẳng đại diện cho một nhóm người
hay một thế hệ hay một cái gì đó to tát hơn. Ca sĩ càng có quan điểm thẳng thắn
càng thể hiện bản lĩnh và con đường âm nhạc mà họ đang đi.
Vì vậy, tôi trân trọng những phản biện của ca sĩ Tùng Dương về những
liên quan đến dòng nhạc bolero, cho dù cũng có những điểm chưa hoàn toàn đồng
thuận. Đồng thời, cũng chia sẻ những bức xúc với các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ
Quyên, Hồ Quang 8…
Tôi không tin rằng, Tùng Dương không thể hát được bolero như giọng
ca bolero đất Bắc Hồ Quang 8 chia sẻ. Có điều, giả sử Tùng Dương có “đụng” vào
bolero thì đó sẽ là bolero kiểu Tùng Dương. Giống như Hà Trần, vài năm trước có
ra một đĩa nhạc với nhiều bản bolero nhưng hát hoàn toàn theo kiểu của cô ấy.
Cá nhân tôi nghe thấy rất thú vị. Tùng Dương giống như Hà Trần, thuộc tuýp ca
sĩ có cá tính âm nhạc mạnh lại ham sáng tạo nên làm gì cũng sẽ đề cao dấu ấn cá
nhân.
Tôi có niềm tin này ở Tùng Dương từ cách đây đúng tròn 12 năm, khi
ấy, tôi cùng giọng ca trữ tình Tuấn Hiệp thực hiện một album nhạc xưa có pha
chút hơi hướng bolero. Để tạo hơi thở mới, chúng tôi mời thêm Tùng Dương và một
giọng ca nhạc trẻ đình đám lúc bấy giờ là Lệ Quyên.
Cho đến bây giờ Lệ Quyên đã trở thành một gương mặt gắn liền với
bolero lại có sự khác biệt được khán giả trong nước và hải ngoại ngưỡng mộ. Tuấn
Hiệp đã khẳng định vị trí của một ca sĩ hát nhạc xưa. Trong khi Tùng Dương thì
không chọn con đường ấy mà tiếp tục say mê với những khám phá, sáng tạo âm nhạc
của riêng anh…”
TS. Phạm Việt Long: “Đừng phân biệt về văn hóa như thế!”
TS. Phạm Việt Long |
Trước hết, chúng ta cần phải có sự bình đẳng trong văn hoá. Đừng
nói văn hóa nào thấp, văn hóa nào cao, miễn nó phục vụ tốt đời sống của con người.
Tại sao dòng nhạc Bolero lại có sức sống bền bỉ như vậy, nó có lí
do của nó. Ở đây, mặt mạnh của Bolero mang tính dân gian rất rõ. Tuy rằng, tiết
tấu, nhịp điệu… của dòng nhạc này là nhập ngoại nhưng khi về Việt Nam đã được
Việt hóa và gắn với những dòng dân ca của Nam Bộ nên rất gần gũi với con người.
Nó cũng góp phần an ủi con người. Đặc biệt, dòng nhạc đi sâu vào nỗi buồn, sự mất
mát, sự chia ly… để con người có thể gửi gắm vào đó những nỗi lòng của mình. Nó
làm cho con người dịu đi trong nỗi buồn thương đấy.
Tuy nhiên, nếu con người ta, cứ buồn thảm mãi sẽ không tốt cho bản
thân mình. Nếu mê đắm mãi một dòng nhạc quá buồn thì cũng không nên. Ngược lại,
nếu cứ suốt ngày đắm chìm mình trong những dòng nhạc sôi động quá cũng chưa hẳn
đã tốt. Con người nếu biết thưởng thức âm nhạc một cách hài hòa sẽ tốt nhất cho
cuộc sống.
Tại sao thời gian gần đây người ta tìm đến Bolero nhiều thế? Phải
chăng vì đời sống của người ta có nhiều bức xúc nên người ta đi tìm một sự giải
tỏa và người ta thấy Bolero có thể giúp người ta vơi được sự bức xúc đó.
Tôi không tán thành ý kiến nói âm nhạc Bolero có thể khiến người
ta thụt lùi. Không có thể loại nào tốt, cũng không có thể loại nào xấu, chỉ có
người ta có sáng tác ra được tác phẩm nào tốt hay không thôi.
Chúng ta không nên nói thể loại này đẳng cấp cao, thể loại kia đẳng
cấp thấp, đừng phân biệt về văn hóa như thế. Thể loại nào có tác phẩm hay, được
công chúng yêu quý thì đều có giá trị trong cuộc sống hết.
Nhưng Bolero thì ngược lại. Tôi khẳng định, 50 năm qua, nữ ca sĩ mặc
áo dài truyền thống, nam ca sĩ mặc vest lên sân khấu hát vẫn được khán giả yêu
thích hết lòng. Những ca khúc đã được sáng tác cách đây hàng 40, 50 năm vẫn
đong đầy cảm xúc và vẫn luôn được người ta đón nhận.
Tại sao Bolero tồn tại hàng nửa thế kỷ mà vẫn có sức sống mạnh mẽ
hẳn nhiên phải có cái lý của nó. Nó phải mang lại những giá trị cho đời sống
văn hóa - tinh thần của con người mới được số đông yêu mến như thế chứ. Và nó
cũng phải đóng góp vào dòng chảy chung của âm nhạc Việt Nam mới được
nhiều ca sỹ theo đuổi chứ. Rất, rất nhiều ca sĩ nếu không hợp với dòng nhạc này
cũng không kỳ thị nó.
Vì thế, nói đắm đuối vào dòng
nhạc này sẽ thụt lùi là không đúng. Khán giả người ta đâu phải là những người
không hiểu biết về âm nhạc. Có thụt lùi chăng đó là với những người sáng tác ra
tác phẩm, phát hành sản phẩm mà khán giả không thẩm thấu được, khán giả không
mê được, không thuộc được… Tôi nghĩ, dòng nhạc nào cũng có những điểm mạnh của
nó. Các ca sĩ cứ cống hiến hết mình với cái ưu điểm mà dòng nhạc mình đang theo
chứ không nên có những sự phân biệt mang tính kỳ thị như thế.