Các phương pháp chẩn đoán ung thư

Ung thư là một bệnh trong đó xảy ra sự tăng sinh không kiểm soát với một tốc độ cao của một dòng (clone) tế bào bất thường. Từ đó dẫn đến hậu quả là tạo ra trong cơ thể một tổ chức lạ, gồm những tế bào non, chuyển hoá mạnh, lấn át các tổ chức xung quanh về mặt không gian cũng như tranh chấp các chất dinh dưỡng... Thực chất của ung thư là sự thoát ly khỏi việc kiểm soát của các cơ chế điều hoà tự động có trong các tế bào, làm mất ổn định về tốc độ cũng như về số lượng và chất lượng của các quá trình chuyển hoá, về không gian và cả về thời gian tồn tại của các đại phân tử cũng như của tế bào và toàn bộ cơ thể.
Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị bệnh ung thư như ngoại khoa, hoá trị liệu, tia xạ... Tuy nhiên, một trong những yếu tố quyết định hiểu quả của các phương pháp trên là chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Nếu được chẩn đoán ở giai đoạn muộn các phương pháp trên nếu có thể được thực hiện, đều có những hạn chế ở mức độ đáng kể. Nhờ những tiến bộ của di truyền học, miễn dịch học, chẩn đoán hình ảnh, sinh học phân tử và đặc biệt là các xét nghiệm hóa sinh định lượng các marker sinh học đã hỗ trợ tích cực cho việc chẩn đoán sớm cũng như theo dõi và tiên lượng ung thư.
1. Sinh thiết
Sinh thiết là một kỹ thuật lấy mô cơ quan, tổ chức để quan sát hình thái mô hoặc tế bào dưới kính hiển vi. Do ung thư được định nghĩa mang tính mô học nên “tiêu chuẩn vàng” hiện nay để chẩn đoán xác định vẫn là sinh thiết để làm giải phẫu bệnh lý.
Mặt hạn chế chính của sinh thiết là do kỹ thuật lấy mẫu và đọc kết quả. Những lỗi này đặc hiệu đối với sinh thiết và về lý thuyết cần được loại bỏ khi sử dụng phương pháp đo chỉ điểm trong huyết thanh. Vì sinh thiết chỉ liên quan đến một phần rất nhỏ của toàn bộ cơ quan, có nguy cơ là vùng được sinh thiết có thể không thích hợp để đánh giá bất kỳ tổn thương nào trong toàn bộ cơ quan do tính không đồng nhất về sự phân bố của nó. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy càng tăng kích thước của mảnh sinh thiết thì càng làm giảm nguy cơ sai sót khi lấy mẫu.
Sự khác nhau giữa các người quan sát là một hạn chế có thể có khác của việc sinh thiết, liên quan đến sự không phù hợp giữa các nhà bệnh lý học khi diễn giải kết quả sinh thiết. Vì sinh thiết là phương pháp xâm lấn, hạn chế lớn duy nhất đối với việc sử dụng phương pháp này là khả năng có các tác tác dụng phụ và biến chứng, đã từng được xem xét toàn diện trong một số nghiên cứu. Thường gặp đau thoáng qua và trung bình, có thể gặp biến chứng chảy máu cùng với lo âu và khó chịu. Tử vong cực kỳ hiếm gặp, nhưng thỉnh thoảng được báo cáo đối với các sinh thiết trong bệnh gan tiến triển, các khối u xuất huyết và ở những bệnh nhân bị bệnh kèm theo nặng. Việc thực hiện sinh thiết bởi một bác sĩ đã qua huấn luyện, chỉ sử dụng một số giới hạn đường đi xuyên qua và với sự hướng dẫn của siêu âm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị các biến chứng, nhờ đó làm tăng độ an toàn của việc sinh thiết. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện sinh thiết sau khi đã cân nhắc kỹ các nguy cơ của thủ thuật so với lợi ích có thể có về mặt quản lý bệnh nhân.
2. Siêu âm
Siêu âm là một phương pháp khảo sát hình ảnh học bằng cách cho một phần của cơ thể tiếp xúc với sóng âm có tần số cao để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Siêu âm không sử dụng các phóng xạ ion hóa (như X quang). Do hình ảnh siêu âm được ghi nhận theo thời gian thực nên nó có thể cho thấy hình ảnh cấu trúc và sự chuyển động của các bộ phận bên trong cơ thể kể cả hình ảnh dòng máu đang chảy trong các mạch máu. Ưu điểm nội bật của siêu âm là không xâm lấn (không dùng kim cũng như không cần phải tiêm thuốc) và thường không gây đau, siêu âm cũng được sử dụng rộng rãi, dễ dàng và ít tốn kém hơn những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như CT scan, MRI.
Siêu âm giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư gan
3. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
Là một thành tựu của phương pháp vật lí hiện đại, tiến bộ lớn về chất lượng chụp. Nó cho phép chụp hàng loạt hình rất rõ và chính xác theo chiều ngang của cơ thể (như các khoanh giò) ở mọi mức cao thấp, để trình bày hình khối ba chiều của các cơ quan trong cơ thể và tránh được sự chồng chất các hình ảnh. Chụp cắt lớp vi tính hiện nay được ứng dụng một cách phổ biến, ngày càng chứng tỏ khả năng phục vụ tốt trong chẩn đoán ung thư. Nó có khả năng phát hiện các khối u đường kính xấp xỉ 1cm trong nhiều cơ quan, kể cả các cơ quan nằm sâu trong cơ thể khó với tới như : não, thận và tuỵ tạng.
Chụp cắt lớp vi tính là một trong những phương pháp chẩn đoán ung thư xương
4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Là phương pháp làm hiện hình mới được áp dụng và được coi là một cuộc cách mạng về kỹ thuật chẩn đoán. Trái với những hình ảnh của chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ có thể cho một hình cắt dọc ở bất cứ một bình diện nào chứ không phải là chỉ ở một diện trục. Cộng hưởng từ hạt nhân phụ thuộc vào từ học của tế bào, nhất là ở độ tập trung của iôn hydrô. Do đó, nó có thể cho phép phân biệt được một số tổn thương tuỳ theo mức độ cộng hưởng từ trường của hạt nhân. Đây là “tiếng nói phân tử” vì diễn đạt cấu trúc hoá học của tổn thương ung thư. Kỹ thuật này mở ra khả năng hoàn toàn mới để nghiên cứu về sinh học của khối u và giám sát về phương diện hoá sinh hiệu quả của điều trị ung thư.
Chụp cộng hưởng từ MRI tuyến vú
5. Chụp phóng xạ hình qua kháng thể đơn dòng
Kháng thể đơn dòng là loại kháng thể chỉ phản ứng đặc hiệu với riêng một loại kháng nguyên nhất định. Khoảng mười năm trở lại đây, việc gắn các nguyên tử đồng vị phóng xạ vào các kháng thể đơn dòng đã mở ra một chân trời đầy hứa hẹn cho việc chẩn đoán sớm các ung thư. Khi được tiêm vào cơ thể người bệnh ung thư, các kháng thể đơn dòng sẽ tìm đúng đối tượng là các kháng nguyên đặc hiệu nằm trên bề mặt các tế bào ung thư. Lượng đồng vị phóng xạ gắn trên kháng thể đơn dòng sẽ được đo bằng máy Gamma và như vậy sẽ làm hiện hình khối u với vị trí và kích thước rõ ràng .
6. Chụp cắt lớp đồng vị phóng xạ phát Positron (PET)
Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh mới nhất, có độ nét rất cao, cho thấy sự phân bố của các dược chất phóng xạ phát Positron được tiêm trong cơ thể giúp có thể đánh giá hoạt động sinh hóa, chuyển hóa tế bào, sinh lý và bệnh lý của các cơ quan và mô khác nhau. Các hình ảnh của PET có thể được sử dụng kết hợp với hình ảnh của CT hoặc MRI để xem xét về mặt giải phẫu và chức năng của tổn thương ung thư. PET có thể cho thấy rõ những biến đổi đặc trưng của bệnh trước CT hoặc MRI, do vậy, rất có ý nghĩa trong việc chẩn đoán sớm các khối u còn nhỏ và các ổ di căn li ti mà các phương pháp hiện hình khác còn chưa phát hiện được. Tuy nhiên, hệ thống PET đắt tiền, các dược chất phóng xạ phát Positron có thời gian bán huỷ rất ngắn đòi hỏi phải có một hệ thống gia tốc sản xuất dược chất phóng xạ tại chỗ kèm theo nên giá thành chụp quá cao so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Do vậy, ở nước ta phương pháp chẩn đoán này còn xa mới trở thành thông dụng.
Chụp PET/CT phát hiện được khoảng 80% các loại ung thư
7. Các phương pháp sinh học phân tử trong chẩn đoán ung thư
Một thành công to lớn trong nghiên cứu về bệnh sinh ung thư là việc phát hiện ra các gen gây ung thư, các gen này được gọi là oncogene. Hiện nay người ta đã phát hiện được nhiều oncogene. Các gen ung thư này khi được chuyển vào tế bào người bình thường nuôi cấy in vitro sẽ làm các tế bào này chuyển thành tế bào ung thư. Nghiên cứu ở người bình thường, người ta đã xác định được rằng trong các tế bào bình thường chứa các gen proto-oncogene là các gen tiền ung thư, có chức năng kiểm soát và điều hoà quá trình sinh sản của tế bào phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cơ thể. Có một số yếu tố có khả năng tác động đến gen này, chúng có thể là các yếu tố vật lý, hoá học hay sinh học, các chất phóng xạ, các chất hoá độc học, các gốc tự do, các retrovirus... có thể gây ra những thay đổi, chuyển vị ADN, từ đó các proto-oncogene chuyển thành các oncogene, kết quả là các quá trình điều hoà bị rối loạn, khả năng kiểm soát sự sinh sản tế bào bị mất.
Sinh học phân tử là một lĩnh vực quan trọng để khám phá hệ gen bên trong, nghiên cứu cấu trúc, mối tương quan và biểu hiện kiểu gen của các đối tượng. Phản ứng PCR được phát hiện cuối những năm 1980 và được ứng dụng vào những năm đầu 1990 đã đưa lại một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu, phân tích gen và hệ gen. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi bệnh ung thư là một sự tập hợp của những biến đổi gen, nhờ đó chúng ta có thể xác định những thay đổi xảy ra trước đó cũng như những thay đổi về sau khi phân tích cấu trúc gen các mẫu bệnh phẩm của người bệnh. Các kiến thức được đúc rút lại trong vài năm tới sẽ có thể hướng các nhà khoa học tới 1 biện pháp điều trị. Quá trình nhận dạng tất cả các gen ung thư sẽ hỗ trợ cho việc phát triển những loại thuốc mới, có tác dụng đối với những gen bị biến đổi cụ thể, và sử dụng biện pháp nào có lợi cho bệnh nhân nhất. Bước đi tiếp theo là tìm ra sự biến đổi nào chỉ gây ra ảnh hưởng phụ, và biến đổi nào thực gây ra những căn bệnh ung thư để từ đấy kiểm soát được bệnh.
8. Xét nghiệm nồng độ các tumor marker (dấu ấn ung thư)
Những tổ chức ung thư mới sản sinh ra các chất đặc trưng gọi là các kháng nguyên ung thư (tumor assosiated antigens). Các kháng nguyên ung thư này được xác nhận là những chất chỉ điểm (markers) đặc hiệu, dựa vào sự có mặt hay không có mặt chất này trong máu, có thể khẳng định được là có tồn tại tế bào ung thư trong cơ thể hay không. Việc phát hiện kháng nguyên được thực hiện bằng phản ứng miễn dịch với kháng thể đặc hiệu, nhờ đặc tính về độ nhạy cao của phản ứng nên có khả năng phát hiện ung thư khi mới chỉ có một số tế bào ác tính xuất hiện (giai đoạn trước u), cũng nhờ phản ứng đặc hiệu của phản ứng kết hợp kháng nguyên kháng thể mà xét nghiệm này có độ đặc hiệu rất cao, nhất là với kỹ thuật xử dụng kháng thể đơn dòng (antibody monoclonal). Như vậy nồng độ các tumor maker trong máu là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể. Định lượng chính xác nồng độ các tumor maker trong máu sẽ giúp chẩn đoán sớm cũng như theo dõi, tiên lượng điều trị bệnh ung thư.

Hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư. Trong thực tế, phương pháp nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm tuy mức độ có khác nhau. Người thầy thuốc chẩn đoán ung thư phải lựa chọn và kết hợp chỉ định các phương pháp khác nhau, trong đó có những phương pháp nhất thiết phải làm và có những phương pháp chỉ có ý nghĩa tham khảo, hoặc có những phương pháp hoàn toàn không có ý nghĩa. Tuy nhiên, cách thức sử dụng các phương pháp chẩn đoán ung thư hợp lí nhất là đi từ lâm sàng đến cận lâm sàng, từ giản đơn đến phức tạp, từ không xâm lấn đến xâm lấn và phối hợp nhiều phương pháp với nhau. 

MỚI NÓNG

Cuộc tình đẹp như mơ của Kim Lý - Hồ Ngọc Hà và cái kết có hậu

Trước khi yêu Hồ Ngọc Hà, Kim Lý có sự nghiệp diễn xuất khá mờ nhạt. Năm 2014, Kim Lý xuất hiện trong showbiz Việt như một tên tuổi mới đầ...

BÀI HAY

BÀI ĐỌC NHIỀU